Khoảng 17h ngày 25/4, sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) vào đêm 23/4 gây mất 930G đã được khôi phục hoàn toàn. Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã trở lại bình thường.
Nguyên nhân được xác định do đối tác cấu hình nguồn trên tuyến cáp. Tới thời điểm hiện tại, chất lượng kết nối trên tuyến cáp này đã ổn định.
Như vậy, trong ba lần gặp sự cố của năm 2018, 2 lần cáp APG có lỗi chủ quan. Lần thứ nhất là do đối tác di chuyển cáp tại Singapore để phục vụ mở rộng sân bay Changi và lần này là do cấu hình nguồn. Ở cả hai lần nói này, tuyến cáp đều trở lại trạng thái bình thường sau thời gian ngắn.
Trước đó, vào lúc 23h50 phút ngày 23/4, thông tin từ hệ thống giám sát ghi nhận xảy ra sự cố gây mất 930G trên tuyến cáp biển quốc tế APG đi quốc tế. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố nhánh cáp vào trạm cập bờ Chongming/APG/China của tuyến APG.
Theo dự kiến ban đầu, thời gian hoàn thành xử lý sự cố này phải mất khoảng 2 đến 3 tuần tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, đến 17h ngày 25/4, tức 1 ngày sau khi xảy ra sự cố, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp biển APG đã được khôi phục.
APG được đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016. Tuyến cáp có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, gấp gần 20 lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG.
APG dài khoảng 10.400 km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, điểm kết nối ở Trung Quốc, HongKong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào APG cùng các đối tác quốc tế là VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom.