Một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Thanh Hoa cùng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa không quân giải phóng nhân dân Trung Quốc để tạo ra miếng dán xét nghiệm đường huyết gồm 2 bước. Trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã mô tả hệ thống và cách nó được sử dụng để xét nghiệm đường huyết cho các bệnh nhân tình nguyện.
Cuộc sống của người mắc bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn những gì mọi người nghĩ, bởi ngoài việc theo dõi liên tục chế độ ăn kiêng, bệnh nhân tiểu đường còn phải xét nghiệm đường huyết và uống thuốc hoặc tiêm insulin. Trong nỗ lực mới, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra một phương pháp dễ dàng xét nghiệm đường huyết để tạo thuận lợi cho cuộc sống của người bệnh.
Đối với hầu hết bệnh nhân tiểu đường, cách duy nhất để kiểm tra đường huyết là sử dụng một thiết bị nhỏ trích vào da để rút máu thường là từ ngón tay. Sau đó, máu được đưa vào que thử gắn trên thiết bị theo dõi đường huyết để đọc kết quả. Quy trình này gây đau và đôi khi dẫn đến nhiễm trùng, đó là lý do một số bệnh nhân tiểu đường ngừng tiến hành việc kiểm tra, nên họ dễ bị nguy hiểm.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã đưa ra một phương pháp gồm hai bước và không xâm lấn để thực hiện xét nghiệm đường huyết. Bước một bao gồm phết một lượng nhỏ axit hyaluronic (thành phần thường thấy trong các sản phẩm chăm sóc da) lên da và sau đó, ấn pin giấy lên vùng da đó. Pin có tác dụng giúp axit thâm nhập vào da, làm thay đổi áp suất thẩm thấu trong chất dịch dưới da. Nhờ vậy đường huyết được đẩy lên trên bề mặt của da. Hai mươi phút sau, pin được gỡ bỏ và tiếp tục đến bước hai. Theo đó, một thiết bị cảm biến sinh học gồm 5 lớp và dày 3 micromet được gắn vào miếng dán da. Miếng dán này trông giống băng keo cá nhân với một lá vàng hình vuông nằm ở chính giữa và có thể đọc kết quả nhờ sự hỗ trợ của một thiết bị thông dụng trong phòng thí nghiệm.