Khoa học - Công Nghệ
Không thể muộn hơn nữa!
(Congannghean.vn)-Muốn tiến xa, phát triển, không có con đường nào khác ngoài gắn phát triển kinh tế, sản xuất với ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo nên những sản phẩm có chất lượng là mục tiêu mà các địa phương nói chung và Nghệ An nói riêng đang nỗ lực, đẩy mạnh triển khai và thực hiện.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân (Trong ảnh: Các tổ chức đoàn tham gia hỗ trợ bán dưa hấu giúp người dân) |
Từ sự quan tâm của Chính phủ
Thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Trên cơ sở đó đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Trên thực tế, nông nghiệp nước ta vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, hiệu quả và năng suất còn thấp. Trong khi đó, thiếu sự liên kết giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với người nông dân nên tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra thường xuyên.
Dựa trên tình hình thực tế, các chuyên gia nông nghiệp khẳng định: Việc ứng dụng tiến bộ KH-CN để tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã khiến nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Do không phụ thuộc mùa vụ và thời tiết nên có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và do đó đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ. Không những vậy, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần tránh được các rủi ro thời tiết, sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị đất đai sẽ tăng lên, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, môi trường nhân tạo thích hợp với các giống cây trồng mới có sức chịu đựng sự bất lợi của thời tiết cao hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Điều này đặc biệt thích hợp với các vùng đất khô cằn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như vùng trung du, miền núi, vùng bị sa mạc hóa.
Trong khi đó, từ trước đến nay, giá thành của các sản phẩm nông nghiệp trong nước vẫn khó có cơ hội để cạnh tranh với hàng nông sản ngoại. Tâm lý hướng ngoại và sự thiếu tin tưởng vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên với việc tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng vật nuôi, quá trình sản xuất dễ dàng đạt được hiệu quả theo quy mô và do đó tạo ra nền sản xuất lớn với lượng sản phẩm đủ để cung cấp cho quá trình chế biến công nghiệp.
Cũng nhờ thương mại hóa được sản phẩm mà các thương hiệu sản phẩm được tạo ra và cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế về quy mô và chi phí thấp là các yếu tố đảm bảo các sản phẩm nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ít nhất ở chi phí vận chuyển và maketing.
Ý thức hiệu quả trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt trong huy động nguồn vốn, nhân lực cho các địa phương. Nhiều người hy vọng, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã góp phần cứu nguy cho bất động sản thì nông nghiệp cũng cần bước đệm quan trọng để ổn định và phát triển bền vững. Điều này hoàn toàn phù hợp với một nước có nền sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo như Việt Nam.
Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định: Gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao đã có và được giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Đã giải ngân cho 31 dự án thuộc các khu nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước với tổng số vốn gần 3.000 tỉ đồng. Ngân hàng này được giao nhiệm vụ phục vụ cho đối tượng nông nghiệp nông thôn là đặc thù làm rất hiệu quả, thủ tục đơn giản. Giá trị gói hỗ trợ này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng lên trong những phiên họp và làm việc gần đây với đại diện ngành nông nghiệp, từ 30.000 tỉ đồng, rồi 50.000 tỉ đồng và có thể nhiều thêm.
Yêu cầu cấp thiết của địa phương
Câu chuyện đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Nghệ An đã không còn mới nữa. Hàng năm, tại Hội nghị thông báo khoa học năm 2016, nông nghiệp luôn là lĩnh vực được ưu tiên và có số lượng “đặt hàng” nhiều công trình, đề tài nhất của Sở Khoa học và Công nghệ. Như năm 2016, 2/3 công trình, đề tài được bàn giao cho các sở, ngành và huyện, thành, thị liên quan lĩnh vực nông nghiệp. Và trên thực tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại những kết quả nổi bật.
Trong đó phải kể đến các ứng dụng như tưới nhỏ giọt cho cây cam, cây mía; nuôi cá bằng lồng chi phí thấp; sử dụng các sản phẩm khoa học trong sản xuất nông nghiệp: Chế phẩm compost maker; biogreen, đệm lót sinh học, kỹ thuật nuôi trắm giòn, nghiên cứu sản xuất trà hòa tan và viên nang từ trà hoa vàng; ứng dụng thương mại hóa chế phẩm Val-A trị bệnh khô vằn; áp dụng các giải pháp tổng hợp khắc phục rét đậm, rét hại vụ xuân 2016 đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp theo kế hoạch…
Điển hình là Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây cam". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc áp dụng tưới nhỏ giọt cho cây giúp chủ động hoàn toàn lượng nước tưới cho cây trồng, trong đó có cam; tăng năng suất cây trồng lên 50%, tăng năng suất lao động.
Đánh giá của phía Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cũng khẳng định: Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây cam Phủ Quỳ đã thể hiện rõ ưu việt, góp phần làm giảm lượng nước tưới 45,5% và tăng năng suất lên 42,2% so với phương pháp tưới truyền thống. Chỉ sau trên dưới 1 năm là có thể thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư hệ thống tưới ban đầu. Trong quá trình triển khai dự án và nhu cầu của thực tiễn sản xuất, kết quả bước đầu của dự án đã góp phần cho bà con nhân dân tham gia học tập và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Ngoài cam Phủ Quỳ, tại các địa phương khác cũng đã bắt đầu thực hiện trên một số cây trồng khác như cà chua, dưa chuột, bắp cải… Trong khi người dân vẫn đang rất lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì những nông sản sạch, được sản xuất trong môi trường hiện đại, khép kín được mong chờ, chào đón.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi thời gian và chi phí khá nhiều. Đó là chưa kể đến quá trình nghiên cứu và áp dụng đòi hỏi có sự kiểm tra khắt khe của các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, giải pháp để hỗ trợ người dân trong việc đầu tư ban đầu. Người nông dân cũng rất mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp để cung cấp các dịch vụ từ cung ứng công nghệ, thiết bị, tư vấn kỹ thuật, thiết kế, vận hành, duy tu và bảo dưỡng cho người dân. Có như vậy, nông sản Nghệ An mới nâng cao chất lượng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Mai Hậu