Khoa học - Công Nghệ
Phép màu kỹ thuật nông nghiệp Israel: Kỳ tích trên hoang mạc
Israel là một trong những nước xuất khẩu thực phẩm tươi sống lớn trên thị trường thế giới và là quốc gia đứng đầu về kỹ thuật nông nghiệp dù hơn 50% diện tích đất là sa mạc và khí hậu khô cằn.
Tại quốc gia Trung Đông này, chỉ có khoảng 20% diện tích đất là đủ điều kiện thích hợp làm nông nghiệp. Bất chấp điều đó, ngành nông nghiệp vẫn chiếm 2,5% GDP và 3,6% kim ngạch xuất khẩu.
Không phải ngẫu nhiên khi Israel tự hào là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới. Khả năng nghiên cứu, sáng tạo và đặc biệt là tính hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là lời giải đáp dễ hiểu.
Thành tựu đáng nể
Israel được biết đến là một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, khi phần lớn diện tích là sa mạc, không thuật lợi cho canh tác nông nghiệp. Lượng mưa trung bình hằng năm chỉ từ 20-50 mm. Khu vực này có độ ẩm không khí cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất lớn khiến việc canh tác nông nghiệp kiểu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, người nông dân Israel luôn tâm niệm câu nói: "Muốn phát triển nông nghiệp, hãy đầu tư và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại". Sau nhiều năm thực hiện, không chỉ người nông dân hiểu rõ những ý nghĩa căn bản và cốt lõi của ý niệm trên, mà cả nhà nước cùng các cấp các ngành đều nắm bắt và thực hiện nhất quán, hướng đến việc tạo nên một sự đổi mới căn bản.
Israel hiểu được tầm quan trọng của nông nghiệp, thế nên chính phủ và người dân đã tăng cường khai hoang, tháo nước vùng đầm lầy, tái trồng rừng và chống sự xói mòn cũng như nhập mặn.
Nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật tiên tiến, kể từ khi Israel được thành lập, sản lượng nông nghiệp của nước này đã tăng trưởng gấp 15 lần, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng dân số. Diện tích đất làm nông nghiệp của Israel cũng tăng vọt từ 30.000 ha (năm 1948) lên trên 200.000 ha hiện nay. Với công nghệ nông nghiệp hiện đại, số lao động trong ngành nông nghiệp và lượng nước cần dùng cho tưới tiêu ngày một giảm.
Nhờ kỹ thuật tiên tiến và chính sách khai hoang, tháo nước đầm lầy khôn ngoan, người dân Israel đã tạo nên điều thần kỳ ở Trung Đông. Các báo cáo cho thấy, nông nghiệp Israel trong khoảng 1999-2009 sử dụng ít hơn 12% lượng nước tưới tiêu nhưng sản lượng lại tăng 26%.
Hầu hết ngành nông nghiệp của Israel được xây dựng theo hai mô hình là hợp tác xã (kibbutz) và làng nông nghiệp (moshav). |
Dù chỉ có 3,7% tổng lực lượng lao động làm trong ngành nông nghiệp nhưng Israel vẫn có thể cung cấp 95% nhu cầu lương thực trong nước, đồng thời xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Trong khi đó, phần lớn những loại thực phẩm phải nhập khẩu chỉ là những loại sản phẩm phụ như đường, ca cao hay cà phê.
Hầu hết ngành nông nghiệp của Israel được xây dựng theo hai mô hình là hợp tác xã (kibbutz) và làng nông nghiệp (moshav). Theo đó, mô hình kinh doanh hợp tác xã có sở hữu chung về phương tiện sản xuất cũng như sản phẩm. Trong khi đó, mô hình làng nông nghiệp có hoạt động sản xuất riêng từng hộ nhưng lại hợp tác chung về thương hiệu và các hoạt động thu mua nguyên liệu.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israel rất cao. Nhà khoa học rất gần gũi với đồng ruộng; nhiều người trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân. Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các làng nông nghiệp, đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học.
Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về hệ thống nhà kính trước hết được thí nghiệm, kế đó sẽ áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, trước khi triển khai thương mại đại trà.
Hằng năm, Chính phủ Israel đầu tư cho nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm. Phần lớn các nghiên cứu đều do những công ty sản xuất sản phẩm đầu vào (như hệ thống tưới tiêu, phân bón hay nhà kính) triển khai.
Nhờ kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và chính sách khai hoang, tháo nước đầm lầy khôn ngoan, Israel đã tạo nên điều thần kỳ ở Trung Đông. |
Sự phối hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu đảm bảo cho các nhà khoa học một mức ưu đãi đủ để phát huy tối đa năng lực chuyên môn. Ngoài ra, chính phủ cũng tập trung mạnh vào việc tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư xây dựng các nông trại kỹ thuật cao, thực hiện quy hoạch cải tạo đất và đầu tư xây dựng các vùng nông trại sản xuất lớn.
Nhờ vậy, Israel đã đạt được những thành tựu nông nghiệp đáng nể như một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 90 người, 1 ha đất hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ.
Kỹ thuật độc đáo
Người Israel không chỉ tìm ra những phương thức tuyệt với để phủ xanh cho sa mạc mà còn chuyển giao những sáng kiến này đến các quốc gia khác thông qua các tổ chức hợp tác quốc tế. Israel đã mang đến cho nhân loại những kỹ thuật tuyệt vời, giúp thay đổi bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu, đem đến phương thức sản xuất hiệu quả và giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Có lẽ không có thành tựu nào tạo nên sự ảnh hưởng to lớn đến nền nông nghiệp Israel cũng như cả thế giới như công nghệ tưới nhỏ giọt. Hệ thống được điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa. Hệ thống này chắc chắn sẽ tiết kiệm nước hơn so với việc phun tưới thông thường, nhưng vẫn đảm bảo lượng nước cần thiết cung cấp cho cây trồng.
Cho tới nay, công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và các giải pháp tưới tiêu vi thủy lợi nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Chúng liên tục được phát triển và cải tiến, trong đó mô hình tưới nhỏ giọt mới nhất là công nghệ tự làm sạch đường ống và duy trì tốc độ dòng chảy thống nhất bất kể chất lượng nước và áp suất nước trong hệ thống tưới.
Hệ thống Tipa (nhỏ giọt), một sản phẩm của Israel phát triển cho thị trường nước ngoài, đã cho phép nông dân ở Senegal có thể canh tác 3 vụ một năm thay vì 1 vụ mỗi năm vào mùa mưa, đối với cả những vùng đất tưởng chừng không thể trồng trọt được.
Không chỉ dựa vào nguồn nước, các kỹ sư người Israel còn tưới nước nhỏ giọt từ... không khí. Họ xây các hộp nhựa được thiết kế bao quanh gốc cây, qua đó hấp thụ những giọt sương ban đêm và làm giảm 50% nhu cầu nước của cây trồng.
Vào những ngày mưa, các hộp nhựa này nâng cao 27 lần tác dụng tưới nước trên mỗi milimet nước mưa. Hơn nữa, những hộp nhựa này có thể bảo vệ cây trồng khỏi sự thay đổi nhiệt độ đêm - ngày đột ngột tại Israel, hạn chế ánh mặt trời để cỏ dại không thể bén rễ, và làm giảm sự ô nghiễm nước ngầm.
Bên cạnh đó, rất nhiều giống cây trồng chỉ cần ít nước và có thể trồng tại những vùng đất khắc nghiệt dưới ánh mặt trời nóng bỏng đã ra đời. Nhiều tổ chức và công ty công nghệ tại Israel đã liên tục nghiên cứu và tạo ra những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu ở đây.
Công nghệ tưới nhỏ giọt và công nghệ GFA cho phép nuôi cá ở bất cứ nơi nào. |
Cần phải nhắc tới giống cây cà chua mới có thể chịu được thời tiết nóng và khô hạn, tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành xuất khẩu rau xanh của Israel. Hay giống khoai tây có thể phát triển mạnh trong khí hậu nóng khô, và được tưới bằng nước mặn. Đây là giải pháp trồng trọt vô cùng hiệu quả và mang lại lối thoát cho việc canh tác tại các vùng cát sa mạc hay ven biển.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đánh bắt quá mức là một mối đe dọa nghiêm trọng đến việc duy trì sản lượng các loại cá - nguồn chính cung cấp protein cho hàng trăm triệu người trên thế giới, tạo nên tâm lý bất ổn và lo lắng. Tuy nhiên, người Israel đã giải quyết được vấn đề này nhờ công nghệ GFA cho phép nuôi cá ở bất cứ nơi nào, ngay cả trong sa mạc.
Hệ thống nuôi cá này là một khu vực được khép kín và có thể đặt ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào các điều kiện về điện, nguồn nước cũng như môi trường bên ngoài, cho phép loại bỏ các vấn đề về làm sạch môi trường trong nuôi cá thông thường. Đặc biệt, hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá, khiến cho hầu như không có chất thải trong ao nuôi và không cần thay nước.
Gần đây nhất, các nhà khoa học Israel đã chuyển giao xây dựng thành công hệ màng phủ nhà kính nông trại mới có khả năng chiếu sáng rất tốt, gần như trong tuyệt đối, nhưng có khả năng giữ ẩm và trao đổi không khí với môi trường bên ngoài không cần hệ thống quạt gió nhân tạo.
Đồng thời, hệ màng mỏng cũng có khả năng tự khử khuẩn và vi trùng gây hại cho cây trồng nhờ ứng dụng các thành tựu của công nghệ nano. Điều này giúp các nhà vườn giảm 50% lượng nước thất thoát do bay hơi, 70% lượng điện dùng cho thông gió nhân tạo và 10% cho chiếu sáng.
Rõ ràng, việc đầu tư mạnh mẽ cho nông nghiệp nhờ tiến bộ khoa học công nghệ đã giúp tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới với những nông trại "xanh" đạt năng suất cao ấn tượng tại xứ sở sa mạc. Vì lẽ đó, Israel được mệnh danh là "thung lũng Silicon" của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nhiều kĩ thuật cùng mô hình đáng để các nước khác tham khảo và học hỏi...
Nguồn: ANTGCT/Báo CAND