Khoa học - Công Nghệ

Tiếp tục đánh giá độ an toàn nước biển 4 tỉnh miền Trung

10:50, 07/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Sau khi công bố nguyên nhân hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, các nhà khoa học đang thực hiện đánh giá khảo sát tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên-Huế, phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng phenol và xyanua còn lại. Dự tính, giữa tháng 7 sẽ có kết quả chính xác.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ KH&CN tổ chức ngày 5/7.

Các cơ quan chức năng tiếp tục giám sát liên tục môi trường biển, xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung.
Các cơ quan chức năng tiếp tục giám sát liên tục môi trường biển, xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, ngay khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan.

Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm… đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hợp dạng keo chứa độc tố như phenol, xyanua có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu oxy, nhất là các loài cá tầng đáy.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất. Kết quả và bằng chứng đó thể hiện nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học trong nước, đồng thời là minh chứng về trình độ, năng lực của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp như diễn biến của sự cố này.

Thời gian tới, để bảo đảm biển an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân, cần tiếp tục giám sát liên tục môi trường biển, xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung và kịp thời thông báo cho người dân khi có những dấu hiệu bất thường về chất lượng nước biển.

Ngoài ra, cần tiếp tục lấy mẫu trầm tích biển, đánh giá mức độ ô nhiễm tại các khu vực phát hiện có ô nhiễm và xử lý kịp thời.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác