(Congannghean.vn)-Biến đổi khí hậu được xem là vấn đề cấp bách, nhất là khi những hệ lụy của nó tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Liên hợp quốc, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu chủ yếu là do con người gây ra, còn yếu tố tự nhiên chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Từ thực tế đáng buồn đó, đã đến lúc chúng ta cần có những hành động thiết thực nhằm góp phần ngăn chặn hệ quả tiêu cực có thể xảy ra do biến đổi khí hậu.
Nguồn khí thải là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng trái đất nóng lên |
Biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Ở nước ta, biến đổi khí hậu thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, cả về số lượng lẫn cường độ.
Trong khi tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài vào mùa hè, kéo theo hạn hán trên diện rộng thì trong những năm gần đây, số cơn bão có cường độ mạnh cũng xuất hiện nhiều hơn. Nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển bất thường, phức tạp, khó dự đoán và mùa mưa bão kết thúc muộn hơn.
Cùng với sự nóng lên của bề mặt trái đất, nhiệt độ trung bình của các khu vực ở nước ta cũng tăng lên. Theo các chuyên gia thời tiết, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng từ 0,5 - 10C trong các năm 2010 – 2015 và sẽ tăng từ 1 - 20C vào năm 2020. Đáng chú ý là thường xuyên xảy ra hạn hán ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và tình trạng khô hạn có thể còn tăng lên cả về cường độ lẫn diện tích.
Hiện tượng biến đổi khí hậu ở nước ta đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, nhiệt độ tăng đã tác động xấu đến sức khỏe con người. Ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, mùa đông sẽ ấm dần lên, dẫn tới những thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. Các căn bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thông qua sự phát triển của các loài vi khuẩn, côn trùng mang bệnh; đồng thời khiến cho các bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan ra cộng đồng.
Nước ta có bờ biển dài 3.260 km, hơn 1 triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 đảo gần bờ và 2 quần đảo xa bờ. Hiện tượng biến đổi khí hậu với tình trạng nước biển dâng làm tăng diện tích đất liền bị ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng mối đe dọa cho những vùng có đê biển, làm xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh họat của dân cư vùng ven biển, gây nguy cơ đối với các hoạt động khai thác và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của ngư dân ven biển.
Các chuyên gia trên các lĩnh vực môi trường và khí tượng thủy văn cũng đã nhận định: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính.
Theo các nhà khoa học, khí hậu là mức độ trung bình của thời tiết trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Trong khoảng 1.000 năm trước, nhiệt độ bề mặt trái đất có tăng, có giảm nhưng không đáng kể và có thể nói là ổn định.
Tuy nhiên, trong vòng 200 năm trở lại đây, đặc biệt là mấy chục năm vừa qua, khi công nghiệp hóa phát triển, nhân loại bắt đầu khai thác than đá, dầu lửa, sử dụng triệt để các nguồn năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch, cùng với các hoạt động công nghiệp tăng lên, bắt đầu phát thải vào bầu khí quyển một lượng khí CO2, Nitơ ôxit, Mê tan… khiến cho nhiệt độ bề mặt trái đất nóng lên.
Để ngăn chặn hiện tượng này, theo các chuyên gia môi trường, có hai vấn đề cần giải quyết là: Giảm tác động biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi. Để làm giảm tốc độ của biến đổi khí hậu không còn cách nào hiệu quả hơn là con người phải tiết kiệm năng lượng, thay đổi nhận thức về sử dụng nhiên liệu, đưa các dạng năng lượng khác như năng lượng nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời vào thay thế các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu lửa. Bởi việc lạm dụng các loại nhiên liệu này đang làm thải ra không khí một lượng khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính.
Trong nông nghiệp và lâm nghiệp, cần ngăn chặn có hiệu quả nạn chặt phá rừng, sử dụng phân bón hữu cơ để ngăn chặn quá trình thải khí Mêtan vào không khí. Mặt khác, cần tích cực triển khai những biện pháp thích ứng, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và chủ động đối phó với tình trạng này để tránh những thiệt hại có thể xảy ra.