Tối 8/10, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần - hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất năm 2014 có thể quan sát tại Việt Nam.
Lần gần đây nhất, Việt Nam có thể quan sát hiện tượng này là vào tháng 12/2011. Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, nguyệt thực toàn phần lần này có thể quan sát được ở phía tây Bắc Mỹ, Australia và phía đông châu Á. Việt Nam có thể quan sát phần lớn hiện tượng.
Thời gian diễn ra nguyệt thực từ 15h15 đến 20h34 (giờ Việt Nam), pha toàn phần (Mặt trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của Trái đất) diễn ra từ 17h25 đến 18h24, đạt cực đại lúc 17h54.
Trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt rồi dần dần sang đỏ sẫm giống màu máu nên còn gọi là hiện tượng trăng máu.
Tại Việt Nam ngày 8/10, Mặt trăng mọc lúc 17h25, thời điểm quan sát lý tưởng nhất là 17h45-19h30, có thể quan sát bằng mắt thường, chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn, nhìn về hướng trời đông. Đến 4/4/2015, người yêu thiên văn Việt Nam có thể chiêm ngưỡng lại hiện tượng này.