Kinh tế xã hội

Tạm dừng đấu nối điện áp mái

08:49, 04/01/2021 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020. Thực tế, quá trình sử dụng, đã có những sự cố chập, cháy liên quan đến loại hình này.

sẽ dừng đấu nối điện áp mái sau ngày 31/12/2020.
sẽ dừng đấu nối điện áp mái sau ngày 31/12/2020.
 
Theo nội dung Văn bản số 8420 về việc phát triển điện mặt trời tại Việt Nam mà EVN vừa ban hành, ngành Điện cho rằng Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 và đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương.  Thêm vào đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có Văn bản số 2074 cho biết, hiện nay, cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện Mặt Trời mái nhà và dự kiến trong quý 1/2021 sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo.
 
Do vậy, kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà chưa được xác định. Trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, EVN sẽ chốt danh sách các hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống vào vận hành thương mại đến hết ngày ngày 31/12/2020. Đặc biệt, sau thời điểm nói trên, EVN sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, EVN sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định thay thế của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thực tế, trong thời gian vừa qua, việc đấu nối hệ thống điện năng lượng mặt trời vào EVN, quá trình sử dụng cũng đã xảy ra một số sự cố gây chập, cháy hoặc cháy, nổ. Đơn cử, vào ngày 23/9/2020, do lỗi hệ thống thiết bị điện dẫn đến chập cháy tại nhà xưởng của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai. Vụ cháy làm hư hỏng 60 tấm pin năng lượng mặt trời, diện tích 120 m2 pin điện mặt trời áp mái. Tại Nghệ An, mặc dù loại hình này chưa phát triển rầm rộ, song cũng đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lắp đặt điện áp mái bằng năng lượng mặt trời để sử dụng, kinh doanh và quá trình đó, cũng đã xảy ra sự cố cháy, nổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, an toàn trong quá trình vận hành. Vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 1/2/2020, tại nhà số 8, ngõ 187, đường Phùng Chí Kiên, phường Hà Huy Tập (TP Vinh) đã xảy ra vụ cháy xuất phát từ điện năng lượng mặt trời. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều tài sản đã bị thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu của đám cháy được xác định do sự cố hệ thống điện năng lượng mặt trời xuất phát từ tủ điện lắp đặt tại phòng ngủ tầng 2 của căn nhà và lan sang các vật dụng xung quanh.
 
Ngoài ra, xung quanh hiện tượng này còn tồn tại một số bất cập khác như không ít dự án đã núp bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cùng với đó, vấn đề xử lý pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng cũng đang khiến các cơ quan chức năng lúng túng. Pin năng lượng mặt trời được cấu tạo từ khung nhôm, kính cường lực, hiện nay chưa được tính là chất thải nguy hại. Theo ghi nhận, thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng một số công trình điện năng lượng mặt trời áp mái được lắp đặt một cách tự phát, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường dẫn đến xảy ra cháy, nổ, làm mất cảnh quan đô thị hiện tại và tương lai. Ngoài ra, cũng có tình trạng dự án điện mặt trời áp mái xin phép chủ trương đầu tư theo hình thức dự án nông nghiệp công nghệ cao, sau khi xây dựng sẽ lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái, không đúng với nội dung xin phép xây dựng./.
 
 
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
 
 

THIỆN THÀNH

Các tin khác