Kinh tế xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Những đặc tính của dân tộc sẽ làm nên thành công

09:15, 30/12/2020 (GMT+7)

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng. Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm một số đánh giá cho rằng điều này khó có thể xảy ra. “Tôi tin những đặc tính của dân tộc ta như tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm, tính cần cù, lạc quan và thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ phấn đấu điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương vào sáng 28/12.

Thủ tướng chia sẻ, nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. “Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ”. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên.

Riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam chúng ta là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Dẫn lại câu ngạn ngữ “thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua”, Thủ tướng cho rằng, với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ của chúng ta về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp. Nó cho thấy, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là những dịp bản sắc của tinh thần dân tộc ta lại trỗi dây, đó chính là sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo. Chúng ta cũng chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi bên cạnh các địa phương truyền thống. Có thể nói, chính sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình.

Ở góc nhìn khác, tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là DNNN hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa 12). Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Trong ngoại thương, nhờ nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước.

“Tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa vì phía sau đó là những nỗ lực bền bỉ của những ngày lao động cần cù, vất vả của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, GDP không tính đến tuổi thọ và sức khỏe của người dân, không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, không đong đếm được tình người trong bão lũ ở miền Trung và đại dịch COVID-19 vừa qua và không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ ta”, Thủ tướng nói. Đó là lý do chúng ta bổ sung nhiều tiêu chí khác, nhất là việc làm và thu nhập. Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.

Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước. “Cách đây hơn 1 năm, tôi rất cảm động khi đọc tin thấy cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa, dù đã 83 tuổi nhưng vẫn đạp xe lên xã xin trả lại sổ hộ nghèo. Tinh thần của cụ là tấm gương có sức lan tỏa trong cả nước”, Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chúng ta cũng vui mừng chứng kiến khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan trọng. Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay thương hiệu Việt Nam, "Made in Việt Nam" đã vươn ra thị trường toàn cầu.

Mới đây, một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.

Thủ tướng nêu rõ, bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, chẳng hạn tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Nhiều địa phương đang tăng trưởng nhanh nhưng không phải địa phương nào cũng tìm được động lực tăng trưởng tương xứng với tiềm năng, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Đô thị hóa phát triển nhưng chúng ta vẫn còn những khu nhà lụp xụp, quá tải. Những vấn đề sát sườn với đời sống người dân như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tội phạm xã hội, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi, nhiều giá trị xã hội bị suy giảm; nhất là tình trạng suy nghĩ lệch lạc, mất định hướng giá trị, sống thiếu hoài bão, thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ. “Mọi người đều xót xa khi mỗi năm có nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm  hại và đuối nước. Chúng ta cũng còn nhiều cụ già neo đơn, không người chăm sóc…”, Thủ tướng nói.

Không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao

Mọi người sẽ sớm nhận ra rằng, từ nửa sau thế kỷ 21 này, thế giới có thể sẽ không còn nhớ đến những quốc gia dẫn đầu về thu nhập nhưng sẽ luôn nhớ đến những quốc gia, những tổ chức, những cá nhân tiên phong trong một số thành tựu đem lại cuộc sống tốt hơn cho con người. Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu các quốc gia về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số ngành và lĩnh vực mới khai phá.

“Tôi tin những đặc tính của dân tộc ta như tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm, tính cần cù, lạc quan và thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công. Bởi cha ông ta, cũng với tinh thần đó, đã đứng vững trước mọi thách thức của thiên tai cũng như đẩy lùi mọi cuộc xâm lược để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc ta”, Thủ tướng nêu rõ.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng. Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm một số đánh giá cho rằng điều này khó có thể xảy ra và chắc chắn rằng dân tộc chúng ta sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng sắp khai mạc vào ngày 25/1/2021.

Sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chúng ta đã cùng nhau đạt được những kết quả bước đầu và không được chủ quan bởi chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế.

“Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội mới đây, Chính phủ không chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế. Chúng ta rất vui khi ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần làm để hệ thống y tế của chúng ta phục vụ nhân dân tốt hơn”, Thủ tướng nói. Chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng và phải nỗ lực để không cho dịch tái bùng phát. Hiện vaccine phòng COVID-19 đang tiến triển tốt. Chính phủ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao vượt khả năng chi trả của người dân.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KTXH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. “Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KTXH khác”, Thủ tướng nêu rõ. Đất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác