Kinh tế xã hội
Giao đất, giao rừng chậm tiến độ, doanh nghiệp 'chây ì' thủ tục thuê đất
08:31, 23/12/2020 (GMT+7)
(Congannghen.vn)-Sau nhiều năm thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường, đến nay việc thu hồi để tiến hành giao đất, giao rừng cho địa phương quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, doanh nghiệp sau sắp xếp lại chây ì trong việc lập hồ sơ xin giao, thuê đất theo quy định.
“Đá bóng” trách nhiệm
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 17 vào chiều 12/12 vừa qua, đại biểu Lữ Thị Thìn (Quế Phong) chất vấn: Công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn, trong đó có thu hồi đất từ các nông lâm trường đến nay chưa có nhiều chuyển biến, người dân kiến nghị kéo dài trong thời gian qua. Nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ “đá bóng” trách nhiệm sang Sở TN&MT, song ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở này sau khi giải trình những khó khăn, vướng mắc, lại xin phép UBND tỉnh uỷ quyền cho huyện xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho rằng, về phía địa phương, thực hiện phương án khi có đất giao cho xã, xã khoanh vùng giao cho xóm lập phương án cho các hộ nghèo, chính sách, nông dân chưa có đất hoặc ít đất và giao trên thực địa. Hiện, Quỳ Hợp gặp khó trong việc một vài điểm thu hồi của lâm trường, do có vùng người dân không chấp hành pháp luật, chống đối, chiếm đất và các hộ dân tự ý chia đất, đã xảy ra tranh chấp, kiện tụng làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện đề án.
Về cơ bản, đã thu hồi phần lớn diện tích rừng của các lâm trường, nhưng lại vướng mắc trong việc bàn giao cho người dân |
Thực tế cho thấy, thu hồi đất từ các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp để bàn giao cho dân được triển khai từ năm 2017 đến nay nhưng vẫn đang còn nhiều vướng mắc, bất cập. Một số lâm trường viện cớ chưa sắp xếp, đổi mới xong nên chưa bàn giao đất; một số đơn vị khác đã hoàn thành việc bàn giao cho cấp huyện nhưng huyện lại vướng trong quá trình phân bổ, bàn giao đến tận tay cho người dân để tiếp quản, bảo vệ và sử dụng. Số liệu thống kê cho thấy, thực hiện việc đổi mới, sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 7 công ty TNHH MTV nông nghiệp và 5 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thuộc diện thực hiện sắp xếp, đổi mới.
Đến nay, đối với các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp, trong đó 4 Công ty lâm nghiệp Sông Hiếu, Tương Dương, Đô Lương, Con Cuông tiếp tục được duy trì, củng cố và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập, đến cuối năm 2017 đã xử lý xong các tồn tại về tài chính để sáp nhập với Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu thành Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An.
Đối với các công ty TNHH MTV Nông nghiệp, đến nay đã hoàn tất quá trình cổ phần hóa 2 Công ty TNHH MTV nông nghiệp 3/2 và Sông Con, chính thức chuyển sang công ty cổ phần từ tháng 8/2018. Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè đã hoàn thành việc thẩm định, báo cáo giá trị doanh nghiệp để chuyển phương án cổ phần hóa. Đối với 3 Công ty TNHH MTV nông nghiệp An Ngãi, Xuân Thành và 1/5, cũng đang trong quá trình thẩm định báo cáo giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV. Do chưa có văn bản hướng dẫn việc đấu giá quyền góp vốn để thành lập công ty TNHH 2TV của cơ quan có thẩm quyền nên chưa thực hiện xong.
Doanh nghiệp “chây ì” thủ tục thuê đất
Sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, về cơ bản các doanh nghiệp này đã khắc phục được những bất cập, tồn tại tồn đọng trước đó để tập trung vào sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, vẫn còn những vướng mắc chưa tháo gỡ xong, mà nguyên nhân là do lịch sử để lại hoặc do chưa có văn bản hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền, trong đó có vấn đề thu hồi đất bàn giao cho địa phương. Theo phương án tổng thể về sắp xếp, chuyển đổi của các công ty nông lâm nghiệp được Chính phủ phê duyệt, dự kiến quỹ đất của các công ty nông lâm nghiệp chuyển trả về địa phương quản lý khoảng 8.107,24 ha. Tuy nhiên, trên thực tế, qua thẩm định, tổng diện tích đất dự kiến trả về cho các địa phương quản lý, sử dụng khoảng 10.090,24 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT đo đạc, lập trích lục bản đồ địa chính đối với quỹ đất dự kiến thu hồi của các công ty nông lâm nghiệp để bàn giao cho địa phương quản lý với tổng diện tích đất là 12.026,16 ha.
Tính đến ngày 1/7/2020, UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi đất để giao cho UBND các huyện, thị xã quản lý, sử dụng của 11 công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích đất 11.514,78 ha. Số liệu cho thấy, về cơ bản đã thu hồi phần lớn diện tích này, hiện chỉ còn lại khoảng 610,98 ha, do đang có tài sản trên đất là cây trồng của Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Sông Hiếu. Sau khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất của các công ty nông lâm nghiệp, để sớm đưa quỹ đất thu hồi vào sử dụng kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân miền núi có đất sản xuất, ổn định cuộc sống, Sở TN&MT đã có các văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc lập phương án sử dụng đất, quy trình thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, giao đất và lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Kể từ ngày 23/5/2019, Sở TN&MT đã có nhiều công văn gửi các công ty lâm nghiệp khẩn trương nộp hồ sơ thuê đất. Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều văn bản đốc thúc, chỉ đạo nhưng một số đơn vị vẫn chưa lập hồ sơ xin giao, thuê đất. Thậm chí, chưa có công ty lâm nghiệp nào nộp hồ sơ theo quy định.
Người dân và Lâm trường Đồng Hợp tranh chấp đất kéo dài dẫn đến xô xát, buộc lãnh đạo huyện này phải đối thoại ngay tại hiện trường |
Ngày 29/7/2020, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 5004/UBND-NN về việc lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; trong đó yêu cầu Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sông Con, Công ty Cổ phần Nông công nghiệp 3/2 và các Công ty TNHH MTV: Cà phê cao su, 1/5, Nông lâm nghiệp Sông Hiếu, Lâm nghiệp Tương Dương, Lâm nghiệp Con Cuông, Lâm nghiệp Đô Lương khẩn trương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ xin giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn của Sở TN&MT để nộp về Sở thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/8/2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào hoàn thành và nộp hồ sơ về Sở này theo quy định.
Nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên, theo lý giải từ phía các công ty này là do khối lượng diện tích đất thực hiện khá lớn dẫn đến công tác rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, xác định diện tích tiếp tục sử dụng, diện tích chuyển trả về địa phương kéo dài. Ngoài ra, phương án sử dụng đất một số công ty nông nghiệp hiện chưa được UBND tỉnh phê duyệt do đang thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới hoặc có trường hợp đã được cổ phần hóa nhưng do chưa sắp xếp xử lý nhà, đất theo Nghị định 167 nên vẫn chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất. Cùng với đó, kết quả giao đất cho nhân dân sử dụng từ quỹ đất thu hồi của UBND cấp huyện đạt kết quả chưa cao, còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Việc đầu tư kinh phí của UBND cấp huyện để xác định, cắm mốc ranh giới, đo đạc, lập bản đồ, địa chính chi tiết khi giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân sử dụng còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đến nay, chưa có đơn vị nào hoàn thành việc lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để gửi về Sở TN&MT theo thời gian quy định.
THIỆN THÀNH