Kinh tế xã hội

Gia tăng sức mạnh để ngư dân bám biển vươn khơi

08:50, 08/08/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ khi triển khai Nghị định 67 đến nay, ngư dân Nghệ An đã có nhiều điều kiện để hiện thực hóa ước mơ vươn khơi bám biển, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, vừa khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh những vấn đề cần được các ngành, địa phương và chính ngư dân cùng chung tay tháo gỡ để Nghị định 67 thực sự trở thành điểm tựa vững chắc đưa kinh tế biển trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh nhà.

Sau 5 năm triển khai, Nghị định 67 góp phần hỗ trợ ngư dân vươn xa  bám biển ở những ngư trường giàu tiềm năng, nâng cao giá trị sản xuất
Sau 5 năm triển khai, Nghị định 67 góp phần hỗ trợ ngư dân vươn xa bám biển ở những ngư trường giàu tiềm năng, nâng cao giá trị sản xuất
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 67, ngành Thủy sản Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ và khá đồng bộ. Tỉ trọng ngành Thủy sản trong cơ cấu toàn ngành năm 2019 đạt 16,07%, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt khoảng 16,14% vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Thủy sản năm 2019 đạt 11,23%, tổng sản lượng thủy sản đạt 223.198 tấn, trong đó khai thác đạt 168.160 tấn. Hạ tầng ngành Thủy sản từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại, góp phần thúc đẩy đội tàu khai thác xa bờ phát triển; cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại và có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh, tàu khai thác ven bờ ngày một giảm dần. Tổng số tàu thuyền tham gia sản xuất trên biển năm 2019 là 4.616 phương tiện, trong đó có 3.490 phương tiện được đăng kiểm; số tàu chiều dài lớn hơn 15 m là 1.257 phương tiện. Trong đó, riêng đội tàu đóng theo Nghị định 67 là 104 phương tiện, nhìn chung hoạt động khá hiệu quả và có gần 70% số tàu trả nợ đóng hạn.
 
Trong khi đó, qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản đã có những chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao, hệ thống văn bản quản lý, cơ cấu tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về thủy sản từng bước được triển khai một cách đồng bộ, tích cực và bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Ngư dân đã chủ động thông báo trước khi cập/rời cảng cá; tuân thủ thực hiện việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định; phần lớn ngư dân đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuân thủ nghiêm túc các quy định trong khai thác thủy sản cũng như chấp hành tốt công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng, việc vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài và việc sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ bị cấm ngày càng giảm.
 
Tuy nhiên, đánh giá lại 5 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ và Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại cần tập trung khắc phục. Đó là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, chất lượng thuyền viên của nhiều tàu đóng theo Nghị định 67 chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ tàu trả nợ vốn và lãi suất tiền vay không đảm bảo đúng tiến độ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
 
Một số tàu đã chuyển sang nợ xấu, thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với một số trường hợp tàu gặp sự cố kéo dài; việc mua bảo hiểm đối với các tàu vay vốn theo Nghị định 67 trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An không bán bảo hiểm cho các chủ tàu. Trong khi đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên mới đạt 75,54%, trong khi theo yêu cầu phải đạt 100% kể từ ngày 1/4/2020. Công tác giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chưa đạt yêu cầu, việc ghi và nộp nhật ký của ngư dân chưa đầy đủ, tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra…
 
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền để cán bộ và người dân nắm vững các nội dung, từ đó thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản của Nghị định 67 của Chính phủ cũng như các quy định tại Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh với chính quyền địa phương các cấp, các ngân hàng cho vay, cơ quan bảo hiểm và ngư dân để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục các tồn tại hạn chế nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả. Quá trình triển khai, điều quan trọng nhất là tổ chức rà soát, làm việc trực tiếp với các chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế của chủ tàu theo tiêu chí cụ thể. Trong đó, xác định rõ các chủ tàu nào thật sự khó khăn không trả được nợ, hoạt động không hiệu quả nhưng có khả năng đầu tư chuyển đổi nghề hay khai thác có hiệu quả nhưng chây ì trả nợ để tham mưu trình UBND tỉnh có các biện pháp xử lý cụ thể.
 
Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU; kiên quyết xử lý theo quy định đối với tàu cá xuất bến, cập bến, kiên quyết không cho xuất bến khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ lao động tham gia vào hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật về lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  Quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu cá, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định dưới mọi hình thức.
 
Riêng về đề nghị hỗ trợ phần chênh lệch bảo hiểm thân tàu giữa chính sách quy định tại Nghị định 67 với Nghị định số 17, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ.  Về nguyện vọng của ngư dân trong việc hỗ trợ kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình và hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá có chiều dài trên 15 m, Sở Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ trong Kỳ họp tháng 7/2020.
 
Để thực sự phát huy hiệu quả Nghị định 67 và tiếp sức cho những cánh buồm no gió, chính quyền các cấp đang từng bước chủ động tháo gỡ khó khăn của ngư dân. Hy vọng, đó sẽ là động lực để kinh tế biển thực sự phát huy, góp phần giúp ngư dân mạnh mẽ vươn khơi, làm giàu cho gia đình, quê hương, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

TUỆ TRANG

Các tin khác