Thứ Bảy, 02/05/2020, 07:58 [GMT+7]

Bảo đảm an ninh lương thực giữa dịch COVID-19

(Congannghean.vn)-An ninh lương thực là vấn đề hệ trọng với mỗi quốc gia và địa phương. Đảm bảo an ninh lương thực càng trở nên quan trọng và cấp bách trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nghệ An thực hiện nhiều chính sách đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả                         sản xuất nông nghiệp
Nghệ An thực hiện nhiều chính sách đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Ông bà ta đã đúc kết: “Có thực mới vực được đạo”. Dịch COVID-19 xuất hiện càng khiến các quốc gia ý thức rõ hơn tầm quan trọng của lương thực, thực phẩm. Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia của Chính phủ ban hành vào ngày 23/12/2009, một trong những quan điểm của Nghị quyết là an ninh lương thực quốc gia phải nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số; chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất. 
 
“An ninh lương thực luôn luôn và mãi là vấn đề hết sức hệ trọng của quốc gia, nhất là tình hình bất ổn chính trị trên thế giới thường xuyên xảy ra, vấn đề biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống và dịch bệnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia. Đất nước ta với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á thì bảo đảm an ninh lương thực càng là vấn đề hệ trọng. Đến nay, Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới). Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với hơn 6 triệu tấn/năm, thu về hàng tỉ ngoại tệ, việc phải có đủ nguồn cung lương thực cùng một hệ thống phân phối đảm bảo vận hành thông suốt, đáp ứng bất kể lúc nào trong tình hình đại dịch COVID-19 lan tràn khắp thế giới hiện nay càng trở nên cấp thiết. Mục tiêu đặt ra là Việt Nam cần thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác, trong đó có công tác bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình liên kết, quy vùng sản xuất tập trung; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định đáp ứng đủ điều kiện, chất lượng.
An ninh lương thực càng trở nên quan trọng                               trong bối cảnh dịch COVID-19
An ninh lương thực càng trở nên quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19
Thực hiện Nghị quyết của Chỉnh phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 phê duyệt quy hoạch đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Nhiệm vụ trọng tâm là khai thác hiệu quả đất đai, tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia được nâng cao.
 
Ở Nghệ An, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63 của Chính phủ, sản lượng lương thực có hạt bình quân trên đầu người tăng từ 397 kg năm 2008 lên trên 417 kg năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 tăng gấp 3,7 lần so với năm 2008 (28,4 triệu đồng/7,65 triệu đồng); tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh từ 28,89% xuống 5,54%, không còn hộ đói. Giai đoạn 2008 - 2018 bình quân hàng năm Nghệ An sản xuất trên 1,1 triệu tấn lương thực, trong đó 600.000 tấn phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân địa bàn, gần 300.000 tấn chế biến thức ăn chăn nuôi, gia cầm. Số còn lại đảm bảo dự trữ, xuất khẩu. Tại địa phương, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Nghệ An đã quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với quy mô lên đến hàng chục nghìn ha tại các huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương…
 
UBND tỉnh Nghệ An thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm chống dịch. Theo đó, Sở Công thương Nghệ An thường xuyên kiểm tra các kho hàng, bến bãi tích trữ. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khác như trứng, sữa, mì tôm, dầu ăn... hiện cũng đang được tích trữ đầy đủ tại các kho, đảm bảo cho người dân yên tâm phòng, chống dịch. Công tác bảo quản lương thực, thực phẩm cũng được các đơn vị tiến hành nghiêm túc, đảm bảo chất lượng các mặt hàng. Năm nay, trước những khó khăn của thời tiết, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp và người dân các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, bảo đảm thu hoạch cho năng suất, chất lượng đạt kế hoạch đề ra. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu giống cây trồng đã chuyển đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đồng thời, sẵn sàng các điều kiện để tranh thủ khi dịch COVID-19 giảm sẽ có đà thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
 
Ghi nhận những kết quả đạt được, song Chính phủ và các địa phương cũng nhìn thẳng vào những bất cập cần khắc phục trong thực hiện chính sách đảm bảo lương thực, thực phẩm. Việc liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu; phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến; lao động nông nghiệp tuy dồi dào, nhưng chất lượng còn thấp, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động trẻ không cao. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương không ổn định, nhiều nơi chuyển đổi đất lúa nhưng ưu tiên cho mục đích phi nông nghiệp. Việc chậm thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất đang là khó khăn lớn cho sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa quy mô lớn.
 
Để giải quyết “bài toán” về lương thực, thực phẩm cho đất nước, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được nghiên cứu, phân tích cụ thể. Trong đó, trước hết phải đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và đời sống nhân dân; thúc đẩy khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các phương pháp nghiên cứu chọn giống, gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm; phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi… Khó khăn sẽ rất nhiều, nhưng như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba”.
.

MAI HẬU

.