(Congannghean.vn)-Vượt qua những biến động thời gian và thử thách của lịch sử, tình hữu nghị đặc biệt, sâu sắc giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Việt Nam với Liên bang Nga hiện nay là tài sản vô giá của nhân dân hai nước. Từ lâu, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mối quan hệ chặt chẽ, thắm tình với tỉnh U-li-a-nốp, quê hương của V-la-đi-mia I-lich Lênin, lãnh tụ phong trào vô sản Nga. Việc xây dựng Tượng đài của Lênin tại TP Vinh là sự cụ thể hóa rõ ràng và sinh động nhất tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai địa phương, góp phần tô thắm thêm truyền thống gắn bó, bền chặt.
Lễ cắt băng khánh thành Tượng đài Hồ Chí Minh tại tỉnh U-li-a-nốp |
Nghệ An và U-li-a-nốp là hai tỉnh có mối quan hệ kết nghĩa, hữu tình từ lâu đời. Lãnh đạo hai địa phương đã thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau trên mọi phương diện, lĩnh vực. Tháng 6/2017, tại tỉnh U-li-a-nốp đã diễn ra lễ khánh thành Tượng đài Hồ Chí Minh, ngay tại vị trí giao thông nối liền với Đại lộ Hồ Chí Minh được xây dựng trước đó. Tham dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tại lễ khánh thành, cô E-ka-tê-ri-na Smô-rô-đa, trợ lý thống đốc của vùng U-li-a-nốp về hợp tác quốc tế nhấn mạnh: "Trong hơn 30 năm, sự hợp tác giữa khu vực U-li-a-nốp và Việt Nam vẫn tiếp tục. Trong năm 1987, một thỏa thuận chính thức về tình bạn và quan hệ đối tác được ký kết. Việc lắp đặt đài tưởng niệm Hồ Chí Minh cho thấy sự hợp tác nhân đạo gần gũi, giúp xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và tăng cường thương mại giữa hai bên”. Theo chính quyền của tỉnh U-li-a-nốp, khu vực xung quanh tượng đài rộng khoảng 1.000 m2, được lát bằng đá granit, có thảm hoa, thảm cỏ, cây xanh và lắp đặt ghế, một nửa trong số đó được làm theo phong cách truyền thống của Việt Nam.
Việc xây dựng Tượng đài Lênin tại TP Vinh không chỉ là cụ thể hóa mối quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương mà còn là mong muốn của mọi người dân. Địa điểm được lựa chọn tại vị trí vườn hoa đầu đường Lênin giao với đường Nguyễn Phong Sắc là hoàn toàn phù hợp và rất ý nghĩa. Tuy nhiên, trên một số trang mạng xã hội của các đối tượng phản động, với luận điệu quen thuộc, đã cố tình rêu rao, xuyên tạc về quy mô, ý nghĩa của việc xây dựng tượng đài. Điều đó là hoàn toàn vô lý, bất nhân, bất nghĩa và không thể chấp nhận được, trái ngược với tâm nguyện, mong muốn của người dân Nghệ An.
Thứ nhất, ý thức rõ tính chất quan trọng của việc dựng tượng đài, tỉnh Nghệ An đã có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ càng. Cụ thể là vào tháng 11/2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã xin ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Tượng đài Lênin tại TP Vinh. Trong các công văn trả lời và phúc đáp của Trung ương đều ghi rõ: Việc TP U-li-a-nốp, quê hương của Lênin tặng tượng Lênin, lãnh tụ của giai cấp vô sản cho TP Vinh, thành phố kết nghĩa với U-li-a-nốp là nghĩa cử cao đẹp nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai địa phương và góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Trong thư gửi đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An vào ngày 25/6/2018, Thống đốc tỉnh U-li-a-nốp cho biết: “Chính quyền tỉnh U-li-a-nốp đánh giá cao tầm quan trọng to lớn trong việc phát triển quan hệ hợp tác về thương mại, kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, việc tăng cường hợp tác toàn diện với tỉnh Nghệ An được chúng tôi xem là một định hướng ưu tiên trong quan hệ hợp tác quốc tế”.
Phối cảnh Tượng đài Lênin tại TP Vinh sau khi hoàn thành |
Thứ hai, về nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất xây dựng Tượng đài Lênin vốn là quy hoạch đất vườn hoa, cây xanh (nối giữa đường Lênin và đường Nguyễn Phong Sắc). Cụ thể là theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 thì khu đất nêu trên được quy hoạch là đất vườn hoa, cây xanh và đường giao thông. Cũng theo dự thảo quy hoạch phân khu phường Hưng Dũng (đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; đã báo cáo, xin ý kiến thông qua Đảng ủy, HĐND, UBND và các cơ quan, đoàn thể cấp xã, xin ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư; báo cáo thông qua UBND TP Vinh và Ban Thường vụ Thành ủy Vinh) thì khu đất nêu trên được quy hoạch là đất vườn hoa, cây xanh và đường giao thông.
Thứ ba, xét về kiến trúc, quy hoạch chi tiết không gian kiến trúc và cảnh quan cho Tượng đài Lênin nhằm làm tôn tạo hơn các giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc. Không gian đó không chỉ là nơi mọi người đến để tôn vinh và tưởng nhớ nhà lãnh tụ, mà còn là nơi trải nghiệm và cảm nhận các giá trị lịch sử trong cách mạng vô sản quốc tế cũng như của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, công trình còn đóng góp vào sự phát triển cảnh quan, diện mạo kiến trúc, là trung tâm cũng như điểm nhấn cho vẻ đẹp quần thể công trình của nút giao lộ trung tâm và khu vực lân cận. Thực tế TP Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế của cả tỉnh Nghệ An, là giao điểm của nhiều quốc lộ, tỉnh lộ. Nội thành của TP Vinh có nhiều công viên, vườn hoa. Tuy nhiên lại có rất ít tượng đài và đài phun nước có vị trí đẹp và hiện đại, mang ý nghĩa lịch sử cao. Do vậy việc xây dựng Tượng đài Lênin và đài phun nước ở vị trí nói trên là rất cần thiết.
Thứ tư, xét về ý nghĩa lịch sử, việc đặt Tượng đài Lênin tại TP Vinh mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc giữa Việt Nam với Nga nói chung và tỉnh Nghệ An với tỉnh U-li-a-nốp nói riêng. Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử. Nhân dân Liên Xô luôn dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp. Không chỉ giúp đỡ về tiền bạc, vật chất, các chuyên gia Liên Xô còn sang tận nơi giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do Liên Xô giúp ta xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả tích cực. Hàng chục nghìn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực.
Quốc tế Cộng sản - tổ chức có vai trò rất lớn trong việc thành lập các Đảng Cộng sản, thúc đẩy cuộc vận động cách mạng ở nhiều nước thuộc địa - ra đời gắn với tên tuổi của Lênin. Chính Lênin đã mở ra một thời đại mới thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa; là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chủ nghĩa Mác - Lênin dần dần được truyền bá vào Việt Nam. Những người làm cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từng bước quá độ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Cho đến nay, những quan điểm, đường lối của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta.
Thứ năm, việc xây dựng Tượng đài Lênin tại Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, người học trò xuất chúng của Lênin, trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương U-li-a-nốp và Nghệ An ngày càng bền chặt đã góp phần gắn kết, củng cố và tô thắm thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam, Liên bang Nga.
Thực chất những luận điệu xuyên tạc, hằn học của các đối tượng phản động, chỉ với một mục đích duy nhất, tìm mọi cách để người dân hoang mang, gây hiểu nhầm nhằm tạo tâm lý bất ổn. Cần phải khẳng định lại rằng, việc xây dựng Tượng đài Lênin vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý và rất ý nghĩa, là mong mỏi của người dân hai địa phương, hai quốc gia. Mong rằng, Tượng đài Lênin sẽ sớm được khánh thành, tạo cơ hội để người dân Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung có cơ hội thể hiện sự tri ân sâu sắc với “người cha của cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất” (Hồ Chí Minh).
.