(Congannghean.vn)-Cách đây không lâu, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định đưa bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) ra khỏi Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025” vì bản này không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống.
Bản Đửa, xã Lượng Minh không có người Ơ Đu |
Đề án “Hỗ trợ phát triển KT - XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025” được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND vào tháng 8/2017 với tổng kinh phí 120 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 90% và ngân sách đối ứng địa phương 10%), giao Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư quản lý thực hiện. Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Theo đó, đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016 - 2020) với kinh phí 61,6 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2021 - 2025) với kinh phí 58,4 tỉ đồng. Đáng chú ý, đề án trên được chia thành 5 nội dung cơ bản để hỗ trợ phát triển, bao gồm: Đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ Ơ Đu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào và phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc Ơ Đu và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2018, do nguồn ngân sách chưa được phân bổ nên thực tế đề án chưa đi vào thực hiện. Phải đến ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An mới ra Quyết định số 1303/QĐ-UBND.VX về việc phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu ở tỉnh Nghệ An năm 2019 dựa trên nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ là 28,18 tỉ đồng.
Thế nhưng, điều đáng nói là khi xây dựng đề án nói trên để UBND tỉnh và Trung ương phê duyệt, những người tham gia thực hiện đề án không tiến hành khảo sát thực tế một cách nghiêm túc nên đưa ra những số liệu không sát với thực tế. Cụ thể, trong đề án được UBND tỉnh duyệt ngày 22/8/2017 nêu rõ phạm vi đề án “được thực hiện tại hai bản Văng Môn và bản Đửa, nơi sinh sống tập trung dân tộc Ơ Đu thuộc hai xã Nga My và Lượng Minh của huyện Tương Dương”. Trong đề án cũng khẳng định xã Lượng Minh có 45 hộ gia đình người Ơ Đu với 231 nhân khẩu, chủ yếu sống ở bản Đửa.
Tuy nhiên, sau đó có dư luận ở bản Đửa, xã Lượng Minh không có hộ gia đình dân tộc Ơ Đu nào sinh sống nên ngày 26/9/2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 577/BDT-CSDT về việc đề nghị UBND tỉnh Nghệ An đưa bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương ra khỏi diện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đó, ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đồng ý việc đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà đề án trước đó đã đưa ra.
Sự việc đến nay đã được giải quyết, song điều mà dư luận quan tâm là một đề án lớn trước khi trình UBND tỉnh và Chính phủ phê duyệt nhưng những cá nhân, tập thể được giao trách nhiệm khảo sát lập đề án đã vô tình hay cố ý đưa bản Đửa, xã Lượng Minh nơi không có người Ơ Đu sinh sống vào đề án là vì mục đích gì? Vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác minh, làm rõ những cá nhân, tập thể có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2015, người Ơ Đu (phrom Ơ Đu) ở Nghệ An có 179 hộ gia đình với 856 nhân khẩu. Về cơ bản, người Ơ Đu ở Nghệ An là cộng đồng có đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, văn hóa truyền thống bị mai một và đang bị đồng hóa nhanh, ngôn ngữ gần như đã bị mất. Vậy nên, họ là cộng đồng được đặc biệt quan tâm. |