Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và được cho là “ích nước lợi dân”, song cho đến nay, nhiều người vẫn “ngại”.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi cả về nhận thức và thực tiễn hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên diện rộng, ngày 10-12, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Công ty CP Thanh toán Quốc gia (NAPAS) tổ chức Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái Thanh toán điện tử 2019 với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ CHIP”.
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet phát triển.
Thanh toán không dùng tiền mặt vừa ích nước, vừa lợi nhà.
"Để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước, với xã hội. Chúng ta phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, những năm trước, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiền thuế, bảo hiểm, điện lực viễn thông phải thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đầu năm nay cũng quyết định bắt buộc 2 ngành liên quan đến người dân nhiều nhất là giáo dục, y tế phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ trương là thế, song hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn rất ít. Đại diện Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh hầu hết là thu tiền mặt.
“Chúng tôi đã trực tiếp quan sát và nhận thấy quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu chi phí khám, chữa bệnh đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút.
Đó là thời gian trung bình. Còn những hôm đông bệnh nhân, thời gian sẽ kéo dài hơn. Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, tránh việc mang theo quá nhiều tiền và nhân viên y tế sẽ không phải lo đếm tiền, lo tiền giả…", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin. Tuy nhiên vướng mắc ở chỗ người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán.
Một lĩnh vực khác là giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong thu phí tự động không dừng; thẻ giao thông tích hợp thanh toán điện tử được coi là bước đột phá trong việc hình thành giao thông thông minh.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, hiện mới chỉ có khoảng 800.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động (E-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC).
Lý giải về việc số lượng chủ xe dán thẻ thu phí tự động chưa cao, Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ "Do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng, dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.
Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện".
Trước thực tế này, tại Diễn đàn, bà Nguyễn Tú Anh – Chủ tịch HĐQT NAPAS tóm tắt một số gợi ý, giải pháp thúc đẩy công tác chuyển đổi thẻ Chip của toàn thị trường nói riêng và phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử nói chung.
Còn từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà ntước Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, ngân hàng sẽ tăng cường trao đổi, phối hợp để thúc đẩy lĩnh vực thẻ Việt Nam theo xu thế chung của thế giới và đảm bảo an ninh, an toàn, phát triển bền vững; góp phần tích cực vào phát triển thanh toán điện tử trong khu vực dân cư, ứng dụng kịp thời những thành tựu tiến bộ của CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán của ngành ngân hàng; giúp đem lại cho người dân sự tiện lợi và tin tưởng hơn nhờ các giao dịch thanh toán thẻ an toàn, bảo mật hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển tính năng thanh toán mới, hiện đại; mở ra cơ hội để thẻ nội địa mở rộng kết nối, hội nhập quốc tế...
.