Thứ Năm, 26/12/2019, 09:54 [GMT+7]
Tái định cư tại các dự án gây ô nhiễm môi trường

Mong đợi ngậm ngùi!

(Congannghean.vn)-Sau khi đưa vào hoạt động, một số dự án, nhà máy gây ô nhiễm môi trường, buộc người dân sinh sống xung quanh phải di dời, tái định cư đến nơi ở mới. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc tái định cư này hết sức chậm chạp, thậm chí có dự án gần 10 năm mới làm xong hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Người dân khốn khổ khi sống cạnh Nhà máy xi măng Sông Lam mà chưa được di dời, tái định cư đến nơi ở mới
Người dân khốn khổ khi sống cạnh Nhà máy xi măng Sông Lam mà chưa được di dời, tái định cư đến nơi ở mới

Dự án Nhà máy xi măng Đô Lương tại xã Bài Sơn được thành lập vào năm 2005, nhưng chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2014, dưới tên gọi mới là Nhà máy Xi măng Sông Lam, sau khi được Tập đoàn Xi măng The Vissai chính thức mua lại. Dự án đưa vào hoạt động đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sự an toàn của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh. Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết: Theo quy định thì những hộ dân trong khoảng cách 900 m tính từ lò nung và 600 m tính từ hàng rào phải di dời để đảm bảo an toàn, thế nhưng cho đến nay có 158 hộ dân vẫn đang phải sống trong bán kính này, nhất là khu vực xóm Đô Sơn.

Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, vướng mắc chủ yếu là về tác động môi trường của Nhà máy xi măng sông Lam. Theo tiêu chí đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chỉ có 32 hộ dân chịu tác động của dự án do nằm trong phạm vi bán kính an toàn cách khu vực lò nung 900 m, cách hàng rào công trình 600 m. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thống kê của UBND huyện Đô Lương, có tới 158 hộ dân bị ảnh hưởng của tác động môi trường bởi hoạt động của Nhà máy. Các hộ dân này đã đề nghị nhiều lần được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm song đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của huyện. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có phương án di dời các hộ dân này. Mặc dù vậy, đến nay hàng trăm hộ dân ở xã Bài Sơn vẫn đang phải nơm nớp “sống chung với lũ” mà chẳng biết kêu ai.

Tại huyện Nghi Lộc, từ năm 2011 đến nay, khu xử lý rác thải Nghi Yên đưa vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân sinh sống xung quanh vì quá bức xúc, đã nhiều lần ra đường chặn xe rác, không cho vào bãi xử lý. Chính quyền huyện Nghi Lộc đã nhiều lần đến vận động người dân, hứa sẽ đề nghị tỉnh sớm di dời dân, nhưng 76 hộ dân ở đây từ 8 năm qua vẫn chưa thể đến nơi ở mới. Đến nay, dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư đã được triển khai xây dựng, cơ bản xong phần hạ tầng san nền, giao thông và thoát nước. Hiện, mặt bằng vẫn còn 4 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo UBND huyện Nghi Lộc, đến nay việc triển khai thủ tục bồi thường cho 76 hộ gia đình sinh sống gần khu liên hợp xử lý rác Nghi Yên đã được huyện này triển khai trích đo, kiểm đếm, áp giá bồi thường tài sản, hiện nay đang triển khai xác định giá bồi thường đất với tổng kinh phí dự kiến khoảng 130 tỉ đồng để bồi thường cho người dân. Quá trình thanh, kiểm tra, UBND tỉnh phát hiện Công ty này đã vi phạm các quy định xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên. Xả nước thải có chứa thông số BOD5 vượt quy chuẩn kỹ thuật 21 lần và COD vượt quy chuẩn hơn 16 lần... nên đã ra quyết định xử phạt hành chính đơn vị này số tiền 594 triệu đồng vào ngày 27/8/2019.

Cũng trong thời gian này, người dân huyện Nghĩa Đàn tiếp tục đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ di dời, tái định cư cho 88 hộ dân xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm trong vùng ảnh hưởng của Dự án Chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm TH. Đến nay, có thêm 28 hộ dân xóm Nghĩa Chính, xã Nghĩa Lâm đề nghị được xem xét, cho di dời tái định cư ra khỏi khu vực gần trang trại bò sữa vì ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Về vấn đề này, ngày 22/7/2014 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3379/QĐ.UBND-CNTM phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (giai đoạn 1 - xây dựng hạ tầng khu tái định cư) để khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực phụ cận Dự án Chăn nuôi bò sữa TH tại huyện Nghĩa Đàn. Dự án chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện. Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh tiếp tục có Thông báo số 579/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với tập đoàn TH. Liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án chăn nuôi bò sữa, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Nghĩa Đàn rà soát lại hồ sơ, thủ tục đầu tư ban đầu của dự án và quy định hiện hành để tham mưu phương án giải quyết.

Liên quan đến 28 hộ dân tại xóm Nghĩa Chính, xã Nghĩa Lâm cũng đang kiến nghị di dời vì ô nhiễm, sau khi kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã xác nhận việc ô nhiễm là có thật nên đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh. Ngày 8/7/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4721/UBND-CN thống nhất với ý kiến này, đồng thời giao trách nhiệm cho UBND huyện Nghĩa Đàn phối hợp với Công ty CP thực phẩm sữa TH bố trí nguồn vốn và phương án tái định cư, xác định phạm vi ảnh hưởng để triển khai các thủ tục theo đúng quy định.

.

Thiện Thành

.