Kinh tế xã hội

Động lực tăng trưởng của năm 2019 nằm ở đâu?

10:55, 01/11/2019 (GMT+7)
Thảo luận về kết quả triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề về động lực tăng trưởng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2019 đến từ cả phía cung và phía cầu. 
 
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, phản ánh qua kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Khu vực công nghiệp, xây dựng đã có tốc độ tăng trưởng cao và ước đạt 8,4%, trong đó riêng công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 11% và tiếp tục khẳng định vai trò "đầu tàu", động lực của tăng trưởng kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng và tăng trưởng tín dụng. Khu vực dịch vụ ước tăng khoảng 7%. Tính chung của cả hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thì trong cơ cấu GDP đã chiếm tỷ trọng khoảng 86%.
 
Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP hàng năm đã đạt trên 40%, tức là cao hơn giai đoạn trước là 33,58% và vượt mục tiêu đề ra là 30-35%.
 
Năng suất lao động, giai đoạn 2016-2019 cũng đạt khá cao là 5,8%/năm, vượt mục tiêu của kế hoạch 5 năm là 5,5%. Trong thời gian tới, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tiếp tục trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
 
Về phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn duy trì ở mức tăng trưởng 2 con số và ước cả năm 2019 tăng khoảng 11,5%. Nhờ có kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát thấp, thu nhập tăng nên tổng cầu và sức mua của nền kinh tế được củng cố, duy trì đà tăng trưởng tích cực.
 
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng đạt khá trong bối cảnh căng thẳng thương mại và thị trường thế giới suy giảm, ước tăng 9,2% và xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và có một ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 và tạo tiền đề để bước vào giai đoạn xây dựng các chiến lược 10 năm tới cũng như là kế hoạch 5 năm của giai đoạn tiếp theo.
 
Mặc dù nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt, nhưng trên cơ sở phân tích và dự báo các bối cảnh về tình hình quốc tế cũng như phân tích những vấn đề khó khăn ở trong nước có thể gặp phải, Chính phủ đã cân đối, cân nhắc các yếu tố cung - cầu, động lực tăng trưởng, lường trước các tác động và nguy cơ rủi ro của thị trường thế giới, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Từ đó đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu ở mức hợp lý, với tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 6,8% và CPI bình quân tăng dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% và tỷ lệ nhập siêu là dưới 3%.
 
“Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại kỳ họp lần này Chính phủ sẽ khẩn trương chỉ đạo xây dựng ban hành các nghị quyết để triển khai thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương cũng như của Quốc hội để triển khai thực hiện kế hoạch năm 2020”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Nguyễn Hoàng

Các tin khác