Kinh tế xã hội
Gỡ khó cho phát triển đảng viên trong ngư dân (Bài 2)
>>>Bài 1: Những “anh cả” giữa trập trùng sóng gió
>>>Bài cuối: Dấu ấn “đầu tàu” cấp ủy
Bài 2: “Rào cản” từ nhiều phía
Dù đã thấy rõ vai trò của các đảng viên - ngư dân nhưng có một thực tế đang tồn tại lâu nay tại Nghệ An nói riêng và những địa phương ven biển nói chung đó là, ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kết nạp vào Đảng. Nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt và dành sự quan tâm nhiều hơn nữa, trong tương lai gần, đảng viên - ngư dân sẽ bị giảm sút cả về số lượng và chất lượng.
“Già hóa” lao động là khó khăn chung của các xã vùng biển |
Khó khăn chung
Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu từ lâu đã có truyền thống đi biển. Cha truyền con nối, chẳng biết từ bao giờ, những cánh buồm cứ mạnh mẽ ra khơi, mang về bao thuyền đầy tôm cá, nuôi sống nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc khai thác hải sản của ngư dân tại xã ngày một khó khăn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đảng viên - ngư dân trên địa bàn.
Đảng bộ xã Diễn Ngọc có 16 chi bộ với 12 chi bộ nông thôn. Dù lực lượng lao động ngư nghiệp tại xã rất hùng hậu, tuy nhiên, số lượng đảng viên - ngư dân chỉ đếm trên đầu ngón tay: 5 đảng viên đều ở độ tuổi trên 50 tuổi. Nhiều năm trở lại đây, không có đảng viên trẻ mới nào được kết nạp. Chia sẻ về lý do này, ông Dương Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Diễn Ngọc cho biết: Nguồn phát triển đảng viên tại xã rất thiếu. Trong nhiều năm trở lại đây, do khó khăn chung, các gia đình đã chuyển hướng cho con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ngoài. Tỉ lệ XKLĐ ngày càng lớn tại xã. Trong khi đó, một số người muốn kết nạp Đảng lại “vướng” lý do vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình hoặc thời gian sinh hoạt học cảm tình Đảng và đảng viên mới bị ngắt quãng. Tính đến nay, cả Huyện ủy Diễn Châu chỉ có 23 đảng viên ngư nghiệp trên tổng số 3.739 lao động ngư nghiệp. Trong đó, đảng viên trên 50 tuổi chiếm 70%.
Không chỉ tại huyện Diễn Châu mà thực trạng này khá phổ biến ở các địa phương ven biển. Tại Thị ủy Cửa Lò, con số cũng không khả quan hơn: 18 đảng viên/1.403 lao động ngư nghiệp. Hiện nay, ngư dân tập trung chủ yếu ở các phường Nghi Hải, Nghi Thủy và Nghi Tân. Như tại khối 6, phường Nghi Thủy, trong số 400 ngư dân, chỉ có 3 đảng viên. Điều đáng nói, cả ba đều trên 50 tuổi. Theo đảng viên lâu năm Hoàng Hoa Đào (SN 1960), có nhiều lý do khiến công tác phát triển Đảng tại cơ sở gặp nhiều khó khăn. Quanh năm lênh đênh trên biển, thời gian vào bờ thường không thống nhất nên quá trình học tập các lớp cảm tình Đảng, đảng viên mới và sinh hoạt chi bộ thường kỳ sẽ bị gián đoạn.
“Những tác động của kinh tế thị trường đến nhận thức của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hiện nay cũng khiến cấp ủy gặp khó trong việc phát hiện, giáo dục, đào tạo những “hạt giống đỏ”. Dù đã rất nhiệt thành nhưng những cán bộ lâu năm như chúng tôi cũng rất trăn trở về thực trạng phát triển đảng viên mới tại địa phương nói riêng và các xã ven biển nói chung”, ông Đào tâm sự.
Hiện nay, tổng số lao động ngư nghiệp trên địa bàn Nghệ An là 22.347 người. Trong khi đó, số đảng viên ngư dân chỉ là 248 người (chiếm tỉ lệ 1,1%). Đáng lo lắng là từ năm 2015 đến nay, chỉ có 12 đảng viên mới được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân khiến công tác phát triển đảng viên - ngư dân trên địa bàn khó khăn như vậy?
Câu chuyện phía sau những lý do
Có thể thấy, với đặc thù trên 40% lao động ở vùng biển Nghệ An sống bằng nghề đánh bắt thuỷ, hải sản xa bờ nên đa phần học sinh chỉ học hết cấp trung học cơ sở là theo cha mẹ đi biển hoặc đi làm ăn xa. Số thanh niên có học lực tốt thì đi học đại học, cao đẳng xa nhà. Trong khi đó, tiêu chí kết nạp đảng viên phải có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, đánh bắt hải sản trên biển gặp nhiều khó khăn, lại chứa đựng nhiều rủi ro nên thanh niên ở địa phương không còn mặn mà với nghề truyền thống cha ông để lại. Việc lập gia đình sớm và khi đã có gia đình thì động lực phấn đấu vào Đảng cũng bị hạn chế. Quan niệm sinh con đông, có con trai vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình vùng biển khiến tình trạng vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình xảy ra khá phổ biến. Ngư dân Trần Văn Lộc (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) cho biết: Mặc dù sản lượng đánh bắt được nhiều nhưng giá xăng dầu tăng, tính ra giá trị thu nhập của bà con ngư dân đạt thấp. Vì thế, gia đình lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để mong đổi đời”...
Có một thực tế đó là, các đảng viên được kết nạp hàng năm tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối cơ quan, trường học. Ở các chi bộ nông thôn vùng biển, tỉ lệ kết nạp đảng viên rất thấp và có xu hướng giảm dần. Vấn đề tạo nguồn kết nạp Đảng hiện nay và trong những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn, bởi hiện tại số lượng ĐVTN của địa phương không còn nhiều. Theo thống kê, hiện xã Diễn Ngọc, Diễn Châu có khoảng 40% lực lượng ĐVTN thoát ly khỏi địa phương để đi làm ăn xa hoặc theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc. Chính điều này đang làm mỏng dần lượng quần chúng có đủ tiêu chuẩn để bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Khan hiếm nguồn đối tượng kết nạp Đảng khiến xu hướng “già hóa” đảng viên ngày một tăng là điều tất yếu. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn. Ở nhiều chi bộ, đảng bộ, độ tuổi trung bình của đảng viên là trên 50, thậm chí trên 60 và đảng viên cao tuổi luôn chiếm phần đông. Hiện, số đảng viên trên 50 tuổi chiếm tỉ lệ trên 50% tại 33 xã, thị có lao động ngư nghiệp của Nghệ An.
“Bên cạnh mặt tích cực của những đảng viên lâu năm như lập trường tư tưởng vững vàng, đoàn kết, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối thì không thể phủ nhận dấu ấn của những người trẻ chính là sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong áp dụng những điều mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sinh hoạt ở cơ sở. Đó là điều đang thiếu và rất yếu ở các chi bộ nông thôn ven biển”, ông Đinh Ngọc Minh, Bí thư Chi bộ khối 6, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò cho biết.
Bên cạnh lý do đó, vẫn tồn tại không ít những nguyên nhân khác nhau khiến việc kết nạp đảng viên ở địa phương ven biển gặp nhiều khó khăn. Vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình hay trình độ dân trí chưa đáp ứng đã khiến nhiều tấm gương tiêu biểu không thể đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Võ Văn Phúc (SN 1963) trú tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò là một trong những điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Giờ ông Phúc là chủ nhân của 4 chiếc tàu 900 CV và 1 chiếc tàu 822 CV với 50 lao động thường xuyên làm việc. Nắm bắt xu hướng phát triển mới, năm 1999, ông thành lập HTX Đại Thắng. Cá nhân ông Phúc cũng rất tích cực tham gia phong trào tại cơ sở, là đại biểu HĐND phường. Gắn bó với biển từ năm 14 tuổi nên với ông Phúc, chưa bao giờ có ý định rời xa biển. Tuy nhiên, đến nay, ông Phúc vẫn chưa kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Phúc cho biết: “Thời còn trẻ, mình đã rất phấn đấu và hy vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với mình, chiếc thẻ đảng viên là niềm tự hào, vinh dự xiết bao. Thế nhưng, vì những lý do cá nhân, mình đã không thể thực hiện được kế hoạch đó. Rồi cuộc sống, mưu sinh cứ cuốn đi. Đến nay, tuổi nhiều, con đông nên thôi. Đành “gửi lại” cho con cái vậy”.
Trong khi đó, ông Ngô Trí Đông, một “đại gia” như cách gọi của bà con ngư dân xã Diễn Ngọc, một điển hình tiêu biểu sản xuất giỏi, là Trung đội trưởng dân quân biển xã Diễn Ngọc, vẫn đang là “quần chúng ưu tú”. Lý do chính là do vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Không chỉ ông Đông, mà tại nhiều gia đình vùng biển khác, việc có 4 - 5 con không phải là chuyện hiếm.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu, có rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ vướng mắc trong phát triển đảng viên - ngư dân, trong đó, quan trọng nhất vẫn là thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và các biện pháp tổng thể để ĐVTN ý thức rõ vinh dự và động lực lớn lao để phấn đấu đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bình Nguyên - Mai Hậu