Kinh tế xã hội
Gỡ khó cho phát triển đảng viên trong ngư dân (Bài cuối)
>>>Bài 1: Những “anh cả” giữa trập trùng sóng gió
>>>Bài 2: “Rào cản” từ nhiều phía
(Congannghean.vn)-Là thủ lĩnh giữa “mặt trận” biển cả mênh mông, những đảng viên - ngư dân Nghệ An vẫn đang ngày đêm miệt mài bám trụ từng con sóng, từng vùng biển vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phát triển đảng viên - ngư dân trên địa bàn tỉnh đang còn rất nhiều khoảng trống. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chỉ thị, nghị quyết của cấp trên cũng như khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt Đảng.
Bài cuối: Dấu ấn “đầu tàu” cấp ủy
Khó khăn trong phát triển đảng viên - ngư dân là điều ai cũng thấy. Và, “cái khó ló cái khôn”, có những địa phương, bằng sự quyết tâm, dồn lực và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, kết quả đạt được rất nổi bật. Trong điểm sáng đó, cấp ủy địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Hồ Văn Cậy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Mai trao đổi với phóng viên |
Điểm sáng Hoàng Mai
12 đảng viên - ngư dân được kết nạp từ năm 2015 đến nay ở 33 xã, thị có lao động ngư nghiệp của tỉnh Nghệ An đều tập trung ở Thị ủy Hoàng Mai. Điều này không phải là sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình quyết tâm, đồng lòng của từng đảng viên, chi bộ cơ sở. Trực tiếp trao đổi với Thị ủy Hoàng Mai, với các chi bộ và nhất là các đảng viên tại thị xã mới thấy, khó đến mấy nhưng nếu thật sự quyết tâm và đồng lòng, mọi việc đều có thể tháo gỡ.
Ý thức rõ vai trò của đảng viên - ngư dân tại cơ sở, ngay từ khi thành lập thị xã (năm 2013) đến nay, Ban Thường vụ (BTV) Thị ủy Hoàng Mai đã ban hành kế hoạch phát triển đảng viên và chỉ đạo các cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát triển đảng viên - ngư dân, nhất là ở chi bộ khối, thôn. Theo ông Hồ Văn Cậy, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai: Hàng năm, BTV Thị ủy giao chỉ tiêu về phát triển đảng viên - ngư dân ở các Đảng bộ, chi bộ cụ thể. Trong quy chế làm việc, từng đồng chí ủy viên BTV, ủy viên BCH Thị ủy Hoàng Mai phụ trách từng Đảng bộ trực tiếp, thường xuyên đôn đốc phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo nguồn kết nạp Đảng. Đây được xem là tiêu chí quan trọng để phân loại đánh giá cán bộ phụ trách. Việc gắn trách nhiệm cụ thể góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu của các đồng chí đảng viên trong BTV.
Với “bài toán” thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng để kết nạp vào Đảng, Thị ủy Hoàng Mai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, để tạo sức lôi cuốn với đoàn viên thanh niên trong giữ gìn và phát huy nghề biển truyền thống của cha ông, Hoàng Mai đã ban hành và triển khai Đề án Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2014 - 2015 và dự tính đến năm 2020. Mục đích là để thu hút các nguồn lực vào kinh tế biển, trong đó ưu tiên phát triển đội tàu xa bờ. Ngư dân Hoàng Mai ngoài việc được Chính phủ hỗ trợ theo Nghị định 67 còn được thị xã khuyến khích bằng những chính sách cụ thể.
Nhờ đó, sau 5 năm thành lập, thị xã đã phát triển 443 tàu xa bờ từ 90 CV đến 1.000 CV, chiếm 48,5% tổng số tàu của toàn thị xã; với tổng công suất máy 183.570 CV, vượt 45,6% so với chỉ tiêu đến năm 2020 của đề án. Số tàu công suất nhỏ giảm 133 chiếc. Trung bình hàng năm, Hoàng Mai có trên 160 lượt tàu đi đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa, chiếm gần 855 lượt tàu toàn tỉnh đi đánh bắt ở vùng biển này. Thu nhập bình quân của nhiều tàu từ 500 - 700 triệu đồng/tháng, không ít tàu đạt doanh thu 1 tỉ đồng/tháng. Nhờ phát triển đội tàu xa bờ với thiết bị đánh bắt hiện đại nên sản lượng và giá trị hải sản khai thác đều tăng và vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2020.
Thấy rõ hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi, nhiều đoàn viên thanh niên đã không lựa chọn con đường xuất khẩu lao động hay đi làm ăn xa mà mong muốn ở lại địa phương để nối giữ nghề truyền thống, phát triển khai thác hải sản. Điển hình như tại xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, nơi tập trung đông đội tàu xa bờ nhất tỉnh Nghệ An, trên 70% thanh niên là theo nghề biển cha ông.
Bên cạnh đó, Thị ủy Hoàng Mai còn thường xuyên nâng cao vai trò trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tổ chức đoàn thể đối với công tác phát triển đảng viên mới, rõ rệt nhất chính là thông qua các tổ, đội nghiệp đoàn nghề cá. Trên tinh thần chỉ đạo của BTV Thị ủy, Đảng bộ các xã, phường, vùng biển đã chỉ đạo các chi bộ ban hành nghị quyết về công tác phát triển đảng viên. Mặt khác, căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên mới. Đảng ủy các xã cũng chỉ đạo MTTQ và các tổ chức đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua tạo môi trường để hội viên, đoàn viên được rèn luyện, phấn đấu thể hiện mình. Từ đó, chi bộ sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho các đảng viên kiêm hội trưởng Hội nghề cá để động viên, khích lệ và giúp đỡ.
“Xã Quỳnh Lập đã thành lập 17 tổ đoàn kết, mỗi tổ có từ 6 đến 10 tàu để hỗ trợ làm ăn trên biển. Mỗi tổ sẽ bầu ra một tổ trưởng cũng là một đồng chí đảng viên. Các tổ đoàn kết, Hội nghề cá chính là cầu nối để đoàn viên thanh niên được học hỏi kinh nghiệm với các đảng viên lâu năm”, ông Hồ Sỹ Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho biết.
Quỳnh Lập cũng áp dụng tiến bộ KHCN, mạng xã hội thường xuyên cập nhật tin tức của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, của các tổ chức, đoàn thể với các ngư dân. Nội dung đa dạng từ xây dựng Đảng, ANTT, cải cách hành chính..., góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối đến với bà con, ngư dân. Với cách làm sáng tạo và linh hoạt này, từ năm 2013 đến nay, Quỳnh Lập đã kết nạp 10 đảng viên - ngư dân, nâng tổng số đảng viên - ngư dân tại xã lên 22 người.
Lấy Hội nghề cá để gắn kết các đảng viên, đoàn viên thanh niên, BTV Thị ủy còn linh hoạt trong sinh hoạt chi bộ. Ngày mồng 3 hàng tháng là định kỳ sinh hoạt, riêng với các Đảng bộ có bà con ngư dân thì Thị ủy thống nhất là sau ngày rằm. Thông thường, tuần trăng xong cũng là lúc các thuyền về cập bến, chuyển hải sản về đất liền, kết thúc một tháng lênh đênh trên biển. Chính cách làm này đã khiến việc sinh hoạt chi bộ không ảnh hưởng đến chuyến tàu ra khơi của các đảng viên, đồng thời, mỗi đảng viên - ngư dân cũng cảm nhận được sự quan tâm, đồng hành của Đảng bộ, chi bộ cơ sở, từ đó tích cực nỗ lực, cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thị xã.
“Đầu tàu” nêu gương hành động
Tuy nhiên, đến nay, những cách làm linh động và sáng tạo mới chỉ dừng lại ở Thị ủy Hoàng Mai mà chưa được nhân rộng ra các địa phương khác. Làm việc với một số cấp ủy Đảng, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong ngư dân. Điển hình như nhiều địa phương vẫn bố trí lịch sinh hoạt Đảng định kỳ hàng tháng chưa hợp lý, nội dung sinh hoạt không gắn liền với công việc làm ăn của ngư dân, nên chưa thu hút được nhiều ngư dân trẻ phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Do đó, các tổ chức cơ sở Đảng ở các xã ven biển cần phải linh động trong công tác này. Kinh nghiệm từ Thị ủy Hoàng Mai có thể thấy, hình thức, thời gian sinh hoạt được vận dụng linh hoạt phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đảng viên đều được tham gia sinh hoạt chi bộ.
“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong mọi thời điểm. Những đảng viên ưu tú, điển hình sản xuất giỏi, là tấm gương tiêu biểu trong sinh hoạt, hỗ trợ ngư dân đã tạo động lực để các đoàn viên thanh niên học hỏi, noi theo. “Ở các đội, tàu thuyền, chính những đảng viên đó đã kết nối, trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn các quần chúng ưu tú. Các đảng bộ sẽ thường xuyên “kề vai sát cánh” cùng những ngư dân có bản lĩnh chính trị, khát khao bám biển làm ăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, nhằm tạo nguồn cho Đảng xem xét, kết nạp. Cần phấn đấu trên mỗi tổ, đội, tàu thuyền có ít nhất 1 đảng viên, hoặc có chi bộ Đảng để phát huy vai trò của đảng viên trên các vùng biển của Tổ quốc”, ông Hồ Văn Cậy cho biết thêm.
Trên thực tế, vai trò lãnh đạo của chi bộ, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là khu vực vùng biển còn có lúc, có nơi chưa thực sự tạo sức hút đối với quần chúng, do đó mới xảy ra tình trạng có không ít chi bộ vùng biển nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên.
Hiện nay, Nghệ An vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể về phát triển đảng viên - ngư dân. Đây cũng là một khó khăn đối với các Huyện ủy, Thị ủy trong việc đề ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với một địa phương có thế mạnh về kinh tế biển, xem biển là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, việc ban hành Đề án riêng về phát triển đảng viên - ngư dân là rất cần thiết. Bên cạnh đó, với những nghiệp đoàn, tổ đội có nhiều đảng viên thì có thể cho phép thành lập chi bộ và tổ chức sinh hoạt phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.
Đồng thời, ưu tiên phát triển giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được học hành, mở cụm lớp bổ tục văn hóa, từ đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, hướng lớp trẻ vào cuộc vận động đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên. Điều này vừa giải quyết “bài toán” tạo nguồn phát triển đảng viên trong ngư dân, vừa góp phần chuyển biến về kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ cũng như năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng vùng biển.
“Phát triển đảng viên trong lực lượng ngư dân là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Do đó, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ vùng ven biển xây dựng kế hoạch và đề ra chỉ tiêu phát triển đảng viên là ngư dân hằng năm. Nhưng để làm được điều đó, các cấp ủy phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho ngư dân, tăng cường công tác tuyên truyền, khảo sát nguồn lực lao động trong ngư dân, tạo thế chủ động, tích cực, linh hoạt để nâng cao chất lượng, số lượng đảng viên - ngư dân”, ông Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định.
Bình Nguyên - Mai Hậu