Kinh tế xã hội
Đề xuất thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình của bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 như sau: Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công (nếu có); bố trí đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (nếu còn); bố trí vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành, quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công; chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án trong phương án bố trí vốn đầu tư trung hạn và hằng năm phù hợp với khả năng cân đối vốn và định hướng ưu tiên phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Về bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả vốn ứng trước, theo dự thảo, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nếu vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 và số vốn ứng trước chưa có nguồn để thanh toán trong kế hoạch trung hạn giai đoạn trước, phải bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn trong từng ngành, lĩnh vực để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi dứt điểm các khoản ứng trước; phần còn lại bố trí theo thứ tự ưu tiên nêu trên.
Trong quá trình điều hành, nếu có tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi dứt điểm các khoản ứng trước của Bộ, cơ quan trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp sử dụng một phần số tăng thu cân đối ngân sách địa phương để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản hoàn trả các khoản vốn ứng trước của địa phương; sau khi thanh toán dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, mới được phép sử dụng số tăng thu còn lại để bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các dự án khởi công mới.
Bố trí vốn nước ngoài (ODA)
Theo dự thảo, việc bố trí vốn nước ngoài (ODA) của bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện theo nguyên tắc sau: Ưu tiên bố trí cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang thực hiện, chuyển tiếp; các chương trình, dự án đã ký kết hiệp định nhưng chưa được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn trước; các chương trình, dự án theo tiến độ phải hoàn thành trong kỳ kế hoạch 2021-2025. Rà soát, nghiên cứu dừng ngay các dự án đã ký kết hiệp định nhưng không có hiệu quả để đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả; phải phù hợp với khả năng cân đối và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo các Hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định.
Chủ động đàm phán với nhà tài trợ về tiến độ, thời gian ký kết hiệp định phù hợp với khả năng cân đối vốn của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương mình, không để xảy ra tình trạng dự án được ký kết hiệp định nhưng không đưa được vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: Chinhphu.vn