Kinh tế xã hội

Quyết tâm xóa 'thẻ vàng'

09:06, 20/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chỉ còn ít thời gian nữa là Ủy ban châu Âu sẽ quay lại kiểm tra việc chấp hành các quy định với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam. Muốn có viễn cảnh tươi sáng cho ngư dân, tạo cơ hội cho hải sản Nghệ An xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác, các ngành chức năng và chính bà con phải quyết tâm và đồng lòng nhiều hơn nữa trong chấp hành các quy định pháp luật.

Ý thức chấp hành của ngư dân đã có sự chuyển biến trong gần 2 năm qua                   (Trong ảnh: Ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu sau chuyến tàu trở về đất liền)
Ý thức chấp hành của ngư dân đã có sự chuyển biến trong gần 2 năm qua (Trong ảnh: Ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu sau chuyến tàu trở về đất liền)
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam. Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của Ủy ban châu Âu. 
 
Ngay sau khi Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng”, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung, khẩn trương chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU. Sau 2 năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã ven biển và sự đồng thuận của ngư dân trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 31/1/2018 của UBND tỉnh về thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Uỷ ban châu Âu đã đạt được một số kết quả nhất định.
 
Bước đầu, quá trình triển khai đã tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt ý thức chấp hành của bà con ngư dân trong hoạt động khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị được tăng cường, thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào tại các cửa lạch/cảng cá; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Vì mục tiêu chung, các ngành chức năng và các huyện, thị xã ven biển đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản như Luật Thuỷ sản 2017, các nội dung nhằm ngăn chặn, loại bỏ các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. 
 
Nhờ được tuyên truyền thường xuyên, ngư dân đã ý thức hơn trong việc phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 68 của UBND tỉnh, trong đó tăng cường sự phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc ra, vào cửa lạch của các tàu cá. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo đúng quy định; kiên quyết ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài. Hiện nay, tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 208/235 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đến dưới 24 m đang được Sở NN&PTNT và các địa phương tuyên truyền, đôn đốc các chủ tàu thực hiện trong 9 tháng năm 2019, Chi cục Thuỷ sản đã kiểm tra 2.748 lượt phương tiện, xử phạt hành chính đối với 85 phương tiện.
 
Từ năm 2017 đến tháng 9/2019, các đồn Biên phòng và Hải đội 2 đã kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập tại cửa sông, cửa lạch và tại bến đậu, bãi ngang được 100.099 lượt phương tiện/514.692 lượt người; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 240 vụ/409 đối tượng/326 phương tiện. Tang vật thu giữ gồm: 509,9 kg pháo nổ, vật liệu nổ, 125 kíp nổ, 854 m dây cháy chậm, 58 bộ kích điện, 70 bộ lồng bát quái... Qua đó đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của tàu cá trong tỉnh.
 
Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương vẫn còn những tồn tại cần khắc phục sớm như tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thuỷ sản vẫn còn diễn ra như sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ, phương pháp khai thác mang tính huỷ diệt ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường; khai thác sai vùng được phép khai thác; tranh chấp ngư trường... Theo dự kiến, tháng 11/2019, Ủy ban châu Âu sẽ quay lại kiểm tra quá trình khắc phục các khuyến nghị, trên cơ sở đó sẽ xem xét để gỡ thẻ vàng hoặc nâng mức cảnh báo lên thẻ đỏ đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam. Đợt kiểm tra này đặc biệt quan trọng, đây là thời điểm EC đánh giá kết quả sau 2 năm Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC để có đủ luận chứng đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” hoặc áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
 
Trên thực tế, nếu bị EC rút “thẻ đỏ”, ngư dân sẽ càng khó khăn vì doanh nghiệp chế biến hải sản sẽ không được xuất khẩu hải sản. Vì thế, việc thực hiện nghiêm các văn bản, công điện trong khai thác thủy, hải sản đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa từ vai trò tuyên truyền giáo dục, thanh, kiểm tra của các ngành chức năng đến ý thức chấp hành của chính các ngư dân. Ở các khu vực cấm khai thác, khu bảo tồn, ngư dân phải tuyệt đối chấp hành, đồng thời việc thực thi pháp luật phải nghiêm, làm sao nhận thức của người dân phải thay đổi để thấy giá trị của nguồn lợi thủy sản chính là cuộc sống, sinh kế. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) cho hay: Chúng tôi tập trung chỉ đạo các chi hội nghề cá tiếp tục tuyên truyền trong các buổi, ngày biển động bà con không đi và ký cam kết thực hiện mọi quy định của Chi cục Thủy sản, UBND tỉnh, của huyện và xã. Mọi người đều nhận thức một thực tế rõ ràng là, với lối khai thác thiếu kế hoạch và theo lối tận diệt, chính ngư dân chứ không ai khác sẽ là người chịu thiệt.

M.H

Các tin khác