Thứ Năm, 26/09/2019, 09:21 [GMT+7]

Phòng khám tiền tỉ thành nơi chăn thả gia súc

(Congannghean.vn)-Được đầu tư với số tiền gần 11 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình 30a và vốn trái phiếu chính phủ, thế nhưng công trình Phòng khám Đa khoa khu vực Huồi Tụ (Kỳ Sơn) đã phải ngừng hoạt động từ hơn một năm nay, trở thành nơi chăn thả gia súc, gia cầm cho người dân.

Phòng khám Đa khoa khu vực Huồi Tụ trở thành địa điểm nuôi gà, chăn dê
Phòng khám Đa khoa khu vực Huồi Tụ trở thành địa điểm nuôi gà, chăn dê

Nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân các xã vùng biên giới Nghệ An với điều kiện đi lại khó khăn, năm 2014, Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn (nay là Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn) đã đầu tư 2 phòng khám đa khoa vùng ở xã Huồi Tụ và xã Hữu Kiệm với kinh phí hơn 10 tỉ đồng mỗi phòng khám. Trong đó, Phòng khám Đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 16, là tuyến đường nối từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đi vào các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý và sang các huyện Tương Dương, Quế Phong; được đầu tư khá hiện đại theo mô hình bệnh viện thu nhỏ với tổng kinh phí gần 11 tỉ đồng, từ nguồn vốn chương trình 30a và vốn trái phiếu Chính phủ.

Phòng khám có tổng diện tích hơn 6.000 m2, với 21 phòng gồm dãy nhà 2 tầng dùng để khám và điều trị, nhà chứa rác thải, nhà để xe, bể chứa nước; thực hiện chức năng khám, cấp thuốc, điều trị bệnh nhân nội trú, giúp bà con 9 xã xa khu vực trung tâm, điều kiện đi lại khá khó khăn của huyện Kỳ Sơn, bao gồm Phà Đánh, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Na Loi, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Lống và Bảo Nam đỡ vất vả trong việc đi lại và góp phần hạn chế tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến huyện.

Trớ trêu thay, từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động đến nay, phòng khám khu vực này đã bộc lộ những hạn chế, luôn trong tình trạng “vắng tanh như chùa Bà Đanh”. Nguyên nhân được cho là phòng khám không có điện lưới để hoạt động, quá trình xây dựng chủ đầu tư đã không xây dựng đường điện hạ thế cho công trình, mặc dù bên cạnh phòng khám khang trang này là một đường điện 250KW chạy qua. Do đó, đội ngũ y, bác sĩ khám, chữa bệnh không có sự hỗ trợ của máy móc, chủ yếu là bằng biện pháp thủ công.

Ngoài ra, từ tháng 3/2017, những phòng khám này chỉ được khám và điều trị ngoại trú. Những bệnh nhân điều trị nội trú sẽ không còn được thanh toán bảo hiểm như trước nên bệnh nhân ngày càng thưa thớt. Do đó, thống kê cho thấy, mỗi ngày Phòng khám Đa khoa khu vực xã Phà Đánh - Huồi Tụ chỉ đón nhận khoảng 10 bệnh nhân đến khám bệnh, nhận thuốc rồi về. Thời gian gần đây hầu như không có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và đến tháng 9/2018 thì ngừng hẳn hoạt động. Do không sử dụng hết công năng nên nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp mặc dù mới đưa vào sử dụng.

Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng cho biết, phòng khám hoạt động thiếu hiệu quả là do ở cách xa khu dân cư. Địa điểm phòng khám hiện nay cách khu dân cư gần nhất của xã Huồi Tụ 8 km, cách nơi xa nhất của xã Phà Đánh 15 km. Bác sĩ Moong Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, việc duy trì Phòng khám Đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ lãng phí cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Phía Trung tâm đã nhiều lần đề xuất dừng hoạt động các phòng khám khu vực nhưng chưa nhận được sự đồng ý của Sở Y tế. Thời gian gần đây, do phòng khám không hoạt động, không có bệnh nhân nên ông Kha Bun Mi, trú tại bản Kẹo Lực 3, xã Phà Đánh đã tận dụng để chăn thả hàng trăm con gà và nuôi dê, kiêm luôn bảo vệ trông coi công trình.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lý Bá Thái, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Từ tháng 5/2018, Sở Y tế Nghệ An đã có ý kiến cho sắp xếp lại Phòng khám khu vực đa khoa Huồi Tụ và Phòng khám Chiêu Lưu. Huyện Kỳ Sơn cũng đã thống nhất quan điểm, các phòng khám hoạt động không hiệu quả, nên đề nghị sáp nhập và giải thể. Huyện này cũng đề xuất phương án sử dụng cơ sở vật chất của các phòng khám này, đối với Phòng khám khu vực Chiêu Lưu, huyện xin tiếp nhận để làm trụ sở mới cho Trạm y tế, tạo tiền đề xây dựng trạm đạt chuẩn quốc gia. Riêng đối với Phòng khám đa khoa Khu vực Huồi Tụ, do vị trí cách xa khu dân cư của 2 xã Phà Đánh và Huồi Tụ nên không thể tận dụng, do đó huyện không tiếp nhận, đề nghị Sở Y tế xem xét, xử lý.

Ngày 6/7/2018, UBND tỉnh có quyết định sắp xếp lại hệ thống các phòng khám đa khoa khu vực, trong đó có việc giải thể 6 phòng khám khu vực, huyện Kỳ Sơn có 2 phòng khám nằm trong diện này là Huồi Tụ và Chiêu Lưu. Tuy nhiên, sau khi có các quyết định giải thể, các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành bàn giao cho huyện, dẫn đến việc người dân tận dụng chăn thả gia súc, gia cầm trong khuôn viên phòng khám. Hiện nay, trách nhiệm quản lý tài sản tại phòng khám này là của Sở Y tế, huyện Kỳ Sơn cũng đã chỉ đạo xã Phà Đánh và Trung tâm Y tế huyện, quán triệt với hộ gia đình để đưa toàn bộ gia súc, gia cầm ra khỏi khuôn viên phòng khám.

Liên quan đến vấn đề này, theo Quyết định số 3682/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn, có 6 phòng khám khu vực nằm trong diện giải thể, bao gồm: Phòng khám Đa khoa khu vực Chiêu Lưu và Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn); Phòng khám Đa khoa khu vực Hữu Khuông (huyện Tương Dương); Phòng khám Đa khoa khu vực Châu Thôn (huyện Quế Phong); Phòng khám Đa khoa khu vực Cát Ngạn (huyện Thanh Chương) và Phòng khám Đa khoa khu vực Tây Nghi Lộc (huyện Nghi Lộc). Hiện nay, chỉ duy trì 2 Phòng khám đa khoa khu vực Năm Nam (huyện Nam Đàn) và Yên Hòa (huyện Tương Dương).

.

Thiện Thành

.