Kinh tế xã hội
Ý kiến trái chiều quanh đề xuất cấm đòi nợ thuê
09:12, 25/07/2019 (GMT+7)
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đã sửa đổi 30 điều, bổ sung 3 điều vào Luật Đầu tư.
Đối với các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật này cũng đã bãi bỏ 14 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời, sửa đổi 8 ngành, nghề và bổ sung 4 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.
Đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều.
VnEconomy dẫn lời Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM đồng tình khi cho rằng, lĩnh vực đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, biến tướng có dấu hiệu hình thành các băng nhóm thu hồi nợ thuê hành động rất manh động và côn đồ, coi thường pháp luật.
Thời gian qua, có rất nhiều vụ thu hồi nợ thuê có hành vi đe dọa giết người, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích…gây bức xúc cho dư luận và xã hội.
Luật sư Trần Minh Hùng dẫn chứng: Trong quá trình hành nghề đã chứng kiến nhiều công ty thu hồi nợ làm thay công việc của Tòa án, cơ quan thi hành án, công an. Họ không khởi kiện ra tòa mà uy hiếp, gây áp lực cho con nợ, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ.
Có những vụ việc chưa có bản án tòa án, chưa có văn bản cơ quan thi hành án nhưng các công ty đòi nợ thuê ngang nhiên xuống tận nhà chủ nợ ép trả tiền, ép trả tài sản, ép ký giấy vay…làm hoang mang cho con nợ. Khi đòi không được thì đánh đập, dùng các hành vi áp lực, khủng bố để lấy tiền bằng được.
"Việc Luật dự thảo cấm là có cơ sở sau khi thấy những biến tướng và hệ lụy của thu hồi nợ để lại, gây bức xúc cho dư luận và xã hội. Đây là ngành nghề đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, gây mất an ninh trật tự bởi nhiều cá nhân, công ty thu hồi nợ hành xử manh động mà nhiều cơ quan công an cũng rất khó khăn để xử lý hay cấm họ ở địa phương.
Việc cấp phép hành nghề cho họ đã tạo cho họ một cái quyền mà cơ quan chức năng sẽ khó xử lý, giải quyết khi họ đi thu hồi nợ. Đồng thời, cũng là để bảo đảm an ninh trật tự cho các địa phương, bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức sinh sống và kinh doanh bình thường", Luật sư Trần Minh Hùng nói.
Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm có kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Nguyên nhân UBND TP. HCM đưa ra là do dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đòi nợ thuê còn chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động biến tướng, bất chấp pháp luật. Các con nợ bị uy hiếp, khủng bố, đánh đập… nhưng không dám khai báo, tố giác tội phạm vì sợ trả thù, do đó các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.
Tuy nhiên, TS Cao Vũ Minh - giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng không nên cấm kinh doanh dịch vụ này.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn lời TS Cao Vũ Minh nhận định việc cấm kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê” không khéo lại dẫn đến hiệu ứng ngược là làm phát sinh và nở rộ “dịch vụ đòi nợ thuê bất hợp pháp” nhằm lấp vào khoảng trống của sự thiếu hụt. Có thể khẳng định, cấm kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê” sẽ vẫn không triệt tiêu được hiện tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp. Lúc đó, công tác quản lý của Nhà nước càng khó khăn hơn bởi “nắm người có tóc vẫn dễ hơn so với nắm kẻ trọc đầu”.
Quyền tự do kinh doanh là quyền hiến định. Công dân có quyền kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cho đến nay, “dịch vụ đòi nợ thuê” là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp.
Muốn cấm việc kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê”, các nhà quản lý phải biến chủ trương này thành pháp luật. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua quy trình lập pháp chặt chẽ với sự tham gia ý kiến của nhân dân và phải được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội thông qua, TS Cao Vũ Minh nhấn mạnh.
Nguồn: Chinhphu.vn