Kinh tế xã hội

Rửa tiền qua bất động sản - chống bằng cách nào?

15:03, 22/07/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã bày tỏ một số quan ngại về thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh năm 2019, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang...
 
Bộ Xây dựng mới đây đã có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) trong đó có nội dung yêu cầu lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.
 
Bất động sản: Đích nhắm rửa tiền
 
Thực ra câu chuyện cảnh báo rửa tiền qua BĐS không mới, và đã được các chuyên gia cũng như NHNN nhiều lần cảnh báo. Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã bày tỏ một số quan ngại về thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh năm 2019, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.
 
Cụ thể, theo báo cáo thị trường của CBRE năm 2018, trong phân khúc BĐS cao cấp, hạng sang, thì tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%, đầu tư ngắn hạn chiếm 13%, khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm 2017, mua đầu tư chiếm 50%, đầu tư ngắn hạn chiếm 15%, khách hàng mua để ở chiếm 35%, thì tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017.
 
"Hiệp hội nhận thấy, trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20-30%, phân khúc bình dân khoảng 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường BĐS", HoREA lo ngại.
Nguy cơ rửa tiền lĩnh vực BĐS ở mức cao.
Nguy cơ rửa tiền lĩnh vực BĐS ở mức cao.
 
Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - NHNN cho biết: Theo Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, đối với lĩnh vực BĐS, nguy cơ rửa tiền là cao, mức độ rủi ro rửa tiền là trung bình cao, mức độ tổn thương về rửa tiền là trung bình.
 
Báo cáo chỉ ra, BĐS là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
 
“Các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các BĐS. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng BĐS”, ông Phạm Gia Bảo dẫn chứng.
 
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế rất mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn - đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền. Các đối tượng mang tiền vào thuê quyền sử dụng đất, lập nhà xưởng, hoạt động và chuyển lợi nhuận đến một số địa chỉ theo mong muốn; một thời gian sau, tuyên bố phá sản hoặc biến mất, những đồng tiền bẩn đã được khoác vỏ bọc hợp pháp.
 
Cần chế tài để thực hiện
 
Tại Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về BĐS tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR), chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD - hơn 68.000 tỷ đồng.
 
Và từ năm 2007, Việt Nam đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm, trừ 2009 và 2012, chiếm 1%. Đây mới là số tiền được Mỹ thông kê, còn rất nhiều tỷ USD khác cũng được người Việt tuồn sang các nước khác để đầu tư BĐS như Australia, Singapore, Anh, Nhật…
 
Điều này cho thấy một lượng tiền khổng lồ đang được đổ vào BĐS trên khắp thế giới - những nơi có kiểm soát chặt chẽ dòng tiền qua ngân hàng, trong khi ngược lại, việc mua bán BĐS ở Việt Nam hầu hết đều là tiền trao tay.
 
Đáng nhấn mạnh hơn, đó là thị trường BĐS Việt Nam lại rất dễ “đầu cơ”, mua đi bán lại để ăn chênh lệch. Hàng nghìn người trở thành “đại gia” BĐS là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Câu chuyện bong bóng BĐS được thổi phồng và vỡ tung gây khủng hoảng tài chính cả chục năm nay là hậu quả nhãn tiền. Dù chưa có nghiên cứu hay con số cụ thể về hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp có biểu hiện rửa tiền với giá trị rất lớn.
 
Trước thực trạng này, cách đây hơn 6 năm, ngày 18-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch BĐS có giá trị lớn phải báo cáo. Theo đó, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống rửa tiền, Thủ tướng quy định, các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm báo cáo NHNN khi thực hiện các giao dịch có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
 
Trong danh mục các ngành nghề được nêu tên, có 3 hình thức kinh doanh liên quan đến BĐS là kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, sau 6 năm, dường như quy định này vẫn chưa được áp dụng vào thực tế, vì theo phân tích của các chuyên gia, sàn giao dịch BĐS có tâm lý giấu thông tin khách hàng hoặc sợ ảnh hưởng tâm lý khách hàng nên không tuân thủ các quy định về báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên. Bởi vậy, các quy định đã có từ rất lâu nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý nếu không báo cáo.
 
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, kỳ vọng doanh nghiệp báo cáo sẽ không có hiệu quả vì rất ít doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là làm sao buộc doanh nghiệp phải trung thực, có quy định ràng buộc cụ thể, chứ không thể yêu cầu tự giác báo cáo.
 
Được biết, chế tài xử lý hành chính vi phạm về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố đã được quy định cụ thể tại điều 44 Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.
 
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới BĐS, sàn giao dịch sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng nếu không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, không báo cáo các giao dịch đáng ngờ.

Nguồn: Hà An/CAND

Các tin khác