Kinh tế xã hội
Xây dựng hình ảnh mới cho sản phẩm du lịch xứ Nghệ
(Congannghean.vn)-Hàng năm, Nghệ An đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, có một thực tế là khách du lịch đến Nghệ An rất khó để tìm cho mình những món quà là sản phẩm mang bản sắc truyền thống của địa phương. Quan tâm xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch mang đặc sản xứ Nghệ đang là nỗi trăn trở của các cấp, ngành và địa phương.
Khâu quảng bá, tuyên truyền sản phẩm du lịch đến người dân cần được quan tâm hơn nữa |
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển hàng hóa, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025”. Việc xây dựng Đề án nhằm triển khai có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 4/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phải lựa chọn các cơ sở sản xuất làng nghề có sản phẩm chất lượng, tiềm năng, lợi thế, tạo ra sản phẩm đặc trưng của Nghệ An kết hợp với du lịch để tổ chức phát triển thành hàng hóa lưu niệm.
Qua điều tra khảo sát, cả tỉnh hiện có khoảng 204 cơ sở sản xuất có thể đưa vào phát triển thành sản phẩm hàng hóa lưu niệm với 103 loại sản phẩm. Trong đó, nhóm chế biến từ nông sản, thực phẩm là 61 sản phẩm; nhóm đồ uống, thảo dược 11 sản phẩm; nhóm trang sức, phục sức 2 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 18 sản phẩm và chế biến hải sản là 12 sản phẩm.
Nội dung Đề án chỉ rõ, tỉnh hoàn thiện bộ sản phẩm, hàng hóa lưu niệm mang tính độc đáo, hấp dẫn, dễ nhớ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế, góp phần đưa Nghệ An trở thành trung tâm du lịch khu vực Bắc Trung Bộ và trọng điểm du lịch của cả nước; tiêu chuẩn hóa 100% số sản phẩm hàng hóa lưu niệm. Đồng thời, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các loại hình sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm du lịch, xây dựng thành công từ 2 - 3 mô hình Làng Văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với sản xuất các sản phẩm lưu niệm; đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh 8 - 10 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Từ đó, góp phần đưa doanh thu của ngành du lịch Nghệ An tăng bình quân từ 18 - 20%/năm; đảm bảo lộ trình đến năm 2020 đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh từ 5 - 6%...
Định hướng phát triển hàng hóa, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch của tỉnh Nghệ An phải đảm bảo đặc tính gọn nhẹ, tiện lợi, dễ lưu hành và mang tính đại chúng. Đồng thời, sản phẩm phải mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của điểm đến, được sản xuất từ nguyên liệu tại địa phương, mang nét đặc trưng của xứ Nghệ. 5 nhóm chính sản phẩm du lịch được chọn lựa xây dựng gồm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông sản, thực phẩm từ cam, bánh đa, kẹo lạc, tinh bột nghệ, bột sắn dây; sản phẩm hải sản chế biến như mực khô, cá thu nướng, sứa ăn liền; sản phẩm đồ uống, thảo dược như chè, trà dược liệu túi lọc, các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc; nhóm trang sức, phục sức như quần áo thời trang, đá trang sức, sản phẩm dệt thổ cẩm…
Đề án trên là cụ thể hóa của mục tiêu đưa du lịch Nghệ An trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản phẩm du lịch địa phương. Ngày 20/6/2019, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chỉ thị được ban hành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch Nghệ An.
Tại Chỉ thị này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung. Sở Du lịch chủ động tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn; tham mưu rà soát bổ sung nhiệm vụ, giải pháp, chính sách phát triển du lịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tham mưu phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc thù gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Nghệ An; xây dựng các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và kết nối với các địa phương trong nước và các nước trong khu vực, thế giới.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực và hiệu quả; tham mưu đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch theo đúng quy hoạch; chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý triệt để hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch.
Tuệ Trang