Thứ Năm, 18/07/2019, 08:13 [GMT+7]

Tăng cường quản lý, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm

(Congannghean.vn)-Thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), Nghệ An đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo ATTP, qua đó ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Với sự tăng cường quản lý, giám sát ATTP của các ngành, địa phương, ngày càng có nhiều thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng
Với sự tăng cường quản lý, giám sát ATTP của các ngành, địa phương, ngày càng có nhiều thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng

Thời gian qua, công tác ATTP luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành chức năng, các địa phương. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP góp phần kiểm soát hiệu quả việc đảm bảo ATTP trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Được xác định là nhiệm vụ đi đầu trong quản lý ATTP, công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như người tiêu dùng được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức phong phú. Trong quý II/2019, tỉnh đã tổ chức 84 cuộc tập huấn về ATTP; 52 cuộc hội thảo, hội nghị; 245 buổi nói chuyện chuyên đề với 6.429 người tham dự; 3.709 buổi phát thanh, phóng sự trên truyền hình…

Tại nhiều địa phương cấp huyện, xã, nhiều hoạt động truyền thông ATTP cũng được triển khai với nhiều hình thức như: Tổ chức ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và trưng bày giới thiệu sản phẩm sạch đảm bảo ATTP”; tổ chức thi “Tìm hiểu kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm”; thi nấu ăn… Công tác truyền thông ATTP được thực hiện rộng rãi, liên tục đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Quan trọng hơn cả, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng cũng được quan tâm, với việc chủ động lựa chọn thực phẩm an toàn, nói không với các loại thực phẩm bẩn.

Cùng với công tác tuyên truyền, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất nông lâm thủy sản an toàn đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực. Đơn cử như mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap tại Tổng đội thanh niên xung phong 5; mô hình trồng dưa chuột, cà chua an toàn trong nhà lưới tại nhiều xã của huyện Nam Đàn; mô hình trồng cam, bưởi tại huyện Anh Sơn…

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, góp phần hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, tháng 3/2019, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn đủ điều kiện ATTP” tại các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự kiến toàn tỉnh sẽ xây dựng 96 mô hình điểm, trong đó có 20 mô hình điểm cấp tỉnh và 76 mô hình điểm cấp huyện. Đến nay, mô hình điểm “Bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn đủ điều kiện ATTP” đã có 92 cơ sở tham gia.

Cũng nhằm kiểm soát chặt chẽ công tác ATTP, không thể không nhắc đến sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt giữa các ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong quý II, toàn tỉnh đã thành lập 440 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về ATTP. Theo đó, trong tổng số 13.361 cơ sở được thanh, kiểm tra, có 12.063 cơ sở đạt điều kiện ATTP (đạt 90.28%) và 1.298 cơ sở vi phạm, trong đó, có 573 cơ sở bị xử lý. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không đảm bảo nguyên tắc một chiều; không thực hiện lưu mẫu thức ăn, chế độ kiểm thực phẩm ba bước theo quy định, không có dụng cụ chế biến, bảo quản sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống… Cũng trong quý II/2019, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong do vi sinh làm 5 người ngộ độc, không có trường hợp tử vong.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác ATTP trên địa bàn trong thời gian tới, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo ATTP đã  được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Theo đó, các sở, ngành Y tế, NN&PTNT, Công thương… tiếp tục chú trọng phối hợp với các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công trách nhiệm của mỗi ngành; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý về ATTP, nhất là cán bộ tuyến xã, phường; chú trọng vai trò chính quyền cấp xã, các thôn xóm và sự tham gia của người dân trong việc phát hiện, tố giác và đấu tranh với các hành vi vi phạm về ATTP ngay từ cơ sở.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra về ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2019 sắp tới. Riêng ngành NN&PTNT tập trung kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, kiểm soát tồn dư chất độc hại trong thực phẩm nông, lâm, thủy sản; việc giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh thủy sản…

Mong rằng, với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương cũng như ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân, công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới sẽ ghi nhận nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

.

Thùy Dương

.