(Congannghean.vn)-Đó là câu trả lời của ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về dự án “Đường vào khu sản xuất tập trung Cồn Trửa”. Không những vậy, công trình có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng này chỉ nhằm phục vụ cho khu chăn nuôi cá vịt của hai hộ dân trên địa bàn.
Tuyến đường chạy thẳng vào trại của nguyên cán bộ xã |
Dự án Đường vào khu sản xuất tập trung Cồn Trửa, xã Tượng Sơn do UBND xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức dự toán hơn 4,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách xã và chủ đầu tư huy động các nguồn hợp pháp khác, trong đó giá trị xây dựng 3,2 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Liên Minh ( địa chỉ tại: số 15, ngõ 1, đường Đồng Quế, Phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh).
Theo thiết kế, công trình gồm 2 tuyến. Tuyến chính có chiều dài 665.5 m và tuyến phụ dài 54,1 m. Nền đường rộng 5,5 m, mặt đường bê tông rộng 3,5 m, hai bên lề đường mỗi bên rộng 1 m. Kết cấu đường gồm 2 lớp dưới cùng đắp bằng đất cấp III, hệ số đầm nén K95 dày 50 cm và K98 dày 30 cm, tiếp đến là lớp móng cấp phối đá base dày 20 cm, trên cùng là lớp BTXM dày 18 cm có lót lớp bạt xác rắn. Mục tiêu của dự án là nâng cấp tuyến đường nhằm tạo điều kiện cho dân cư đi lại được thuận tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng quy hoạch sản xuất tập trung.
Liên quan đến nguồn đầu tư, ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã khẳng định, công trình này là do nhà thầu tự xin vốn về và nhờ xã làm chủ đầu tư. Và xã chỉ đồng ý khi nhà thầu thỏa thuận không sử dụng nguồn của địa phương. Ông Huy cho biết: “Lúc nhà thầu đặt vấn đề đưa dự án về và xin thêm nguồn huy động của địa phương, tôi đã từ chối ngay vì công trình này không mang tính cộng đồng, sợ người dân sẽ phản đối. Và tôi cũng nói rõ, các anh (nhà thầu - PV) xin được nguồn về thì làm, không xin được thì thôi”.
Xét về hiệu quả của dự án, khi có mặt tại hiện trường chúng tôi khá bất ngờ là tuyến đường vào khu sản xuất tập trung đã được làm hoàn chỉnh từ nhiều năm trước. Tại điểm đầu của dự án đã nằm sau khu sản xuất tập trung và chạy men theo bờ ao đi thẳng vào trại nuôi cá, vịt của hai hộ dân. Bà T, một người dân trong xã cho biết, thực tế tuyến đường này chỉ phục vụ trại của ông Thìn và ông Minh, hai người từng là chủ tịch và cán bộ địa chính của xã, còn người dân chẳng hưởng lợi được chút nào.
Mặt đường vừa mới thi công xong nhưng đã bị nứt nham nhở |
Theo quan sát của chúng tôi, công trình tuy mới đổ bê tông nhưng đã có nhiều dấu hiệu hư hỏng, kém chất lượng. Trong dó nhiều điểm bị nứt bể, bong tróc, ghồ ghề kém thẩm mỹ... Đặc biệt tại nhiều vị trí lớp bê tông mặt chỉ dày 15 đến 16 cm và còn lẫn tạp chất. Nói về lý do mặt BTXM bị bể nứt nhăm nhít, dọc ngang ông M cho rằng nguyên nhân là do thi công trong thời tiết nắng to nhưng nhà thầu bỏ qua công đoạn bảo dưỡng. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ đất được sử dụng làm nền đường là loại đất đá xô bồ không đảm bảo theo yêu cầu thiết kế. Ngoài ra, vật liệu sử dụng đắp lề đường là đất bùn được vét lên từ 2 bên mép đường lẫn lộn cả cỏ rác.
Trao đổi với PV về tình trạng công trình xảy ra hư hỏng khi mới vừa thi công xong, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn chia sẻ: “Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu thi công đúng theo thiết kế nhằm đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, thời điểm thi công đoạn cuối tuyến, do gặp trời mưa, nền đường bị lầy lội, tôi đã yêu cầu tạm ngừng để xử lý mới cho thi công tiếp. Thú thật, như các anh thấy đấy, đường dự án mà còn xấu hơn đường trong xóm dân tôi tự làm. Biết vậy nhưng tiền thì tự họ xin về, công trình họ tự làm chúng tôi có nói được gì đâu”.
Tại nhiều vị trí kích thước mặt bê tông không đủ 18 cm. |
Trực tiếp liên hệ với ông Trường, cán bộ đơn vị Tư vấn giám sát, ông này cho hay không biết dưới công trường thế nào cả, có gì thì các anh cứ liên hệ với bên nhà thầu thi công. Trong khi đó ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Liên Minh lại cho rằng hiện nay do nguồn đất khan hiếm nên vật liệu xấu cũng là chuyện bình thường. Công trình vẫn tốt chứ không có vấn đề gì. Ông cũng thừa nhận nguồn là do nhà thầu tự xin về.
Một dự án hơn 4 tỷ đồng có đầy đủ ban bệ nhưng chủ đầu tư lại bất lực trước những sai phạm, để cho nhà thầu tự ý thi công cẩu thả, sai thiết kế. Vậy trách nhiệm trước sự hư hỏng của công trình thuộc về ai?. Thiết nghĩ, có hay không cơ chế ‘xin - cho’ để tạo lợi ích nhóm là nguyên nhân đẻ ra những tiêu cực trong dự án này?. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm và có những chấn chỉnh kịp thời, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.