(Congannghean.vn)-Khơi dậy sức mạnh của kinh tế vùng và liên kết vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An nói riêng và khu vực nói chung. Liên kết vùng không chỉ giúp phát triển thế mạnh của địa phương mà còn giảm bớt những khoảng trống, thiếu hụt mà Nghệ An đang tìm hướng giải quyết.
Việc liên kết vùng là động lực để sản xuất phát triển mạnh mẽ, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh |
Trên thực tế, dù chưa thể sánh được với hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc, song “khúc ruột miền Trung” Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đang nổi lên là một trong những khu vực thu hút được lượng lớn vốn FDI và cả vốn đầu tư trong nước, bất chấp đây là khu vực có điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Với vị trí đặc biệt thuận lợi trong khu vực và toàn quốc, Nghệ An có vai trò quan trọng làm “cầu nối” với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ý thức rõ điều đó, Nghệ An đã tập trung nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh trong liên kết tại tỉnh và với các địa phương lân cận. Trong đó, riêng trên địa bàn Nghệ An, ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là những vùng làm nhiệm vụ trung tâm, đầu tàu, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Bao gồm: TP Vinh - TX Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; vùng kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng tâm là huyện Nghĩa Đàn - TX Thái Hòa - huyện Quỳ Hợp.
Có một thực tế tồn tại nhiều năm nay, giữa các tỉnh hầu như không có liên kết thu hút đầu tư, “mạnh ai nấy chạy”, thậm chí giữa các tỉnh đang tạo ra một tình trạng cạnh tranh, chạy đua thu hút đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế đã ví sự cạnh tranh này là “đua xuống đáy”. Và trên thực tế, để thực hiện cuộc đua, các tỉnh thi nhau “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư vào địa phương mình, nhiều hình thức ưu đãi được áp dụng: giảm thuế, giảm giá thuê đất, thậm chí cả giảm các điều kiện về môi trường… Tình trạng này khiến lợi ích tổng thể giảm sút ở cấp độ quốc gia cũng như từng vùng và ngay ở trong các tỉnh. Ngoài thu hút đầu tư, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ cũng gây khó khăn trong việc quy hoạch liên kết giữa các địa phương.
Muốn hiệu quả, các địa phương sẽ hiểu rõ những lợi thế so sánh của mình trong tương quan so sánh lợi thế phát triển để liên kết, phân công hợp tác xây dựng lại các vùng chuyên canh liên huyện, tập trung cao, quy mô hàng hóa lớn. Trong khi đó, dù liên kết vùng là vấn đề cần thiết đã được đề cập từ lâu, song chưa có những quy định, chế tài, cơ chế, chính sách cụ thể. Hầu như trong các văn bản pháp lý, phần nói về giải pháp, đều có đề cập đến vấn đề phối hợp giữa các ngành, các địa phương.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An luôn khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư các dự án. Theo đó, tỉnh đã quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trong đó tập trung giải quyết thủ tục tại các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện theo hướng đơn giản, minh bạch, giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh cũng đồng thời thực hiện, đa dạng hóa hình thức đầu tư để triển khai các dự án. Trong đó, có hệ thống hạ tầng giao thông như: Đường bộ, cảng biển, sân bay. Cũng thông qua các nguồn lực đầu tư khác nhau, đến nay ở vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An minh chứng rõ nhất đó là TX Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã có tốc độ phát triển nhanh; hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư đồng bộ, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh hiện các quy hoạch đang tiếp tục được rà soát, lập thẩm định và phê duyệt. Tại vùng này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), giải quyết nhu cầu đi lại cho hơn 10 xã ở 2 tỉnh vốn được ví như "ốc đảo" mỗi khi mưa lũ.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dự lễ ra quân đầu xuân tại công trường xây dựng cầu Cửa Hội thuộc địa phận TX Cửa Lò, Nghệ An. Cầu Cửa Hội là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Lam nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cầu Cửa Hội là công trình quan trọng nằm trên tuyến đường ven biển của 2 tỉnh. Dự án hoàn thành sẽ tạo sự liên kết vùng, giữa tuyến đường ven biển với các trục giao thông hiện hữu, giảm tải giao thông cho QL1A và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Đông của 2 tỉnh.
Trên cơ sở liên kết vùng giữa các huyện, thành, thị và giữa Nghệ An với các địa phương trong khu vực sẽ tạo tiền đề quan trọng cho liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp và hộ gia đình, liên kết giữa doanh nghiệp và các trường, viện trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp nhằm cung cấp thông tin, đàm phán chính sách... Bởi trên thực tế, chính lực lượng doanh nghiệp phát triển mạnh sẽ là chủ công trong liên kết phát triển trong các chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ liên địa phương và liên vùng, tạo ra mạng sản xuất trong nước.
Hiện nay, giữa Nghệ An và các địa phương đang tập trung phát triển liên kết vùng với các thế mạnh trọng tâm: Du lịch, khoa học - công nghệ trong khi sản xuất công nghiệp, hệ thống giao thông (nhất là cảng biển) vẫn còn “để ngỏ”. Vì thế, trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh. Từ đó, tăng cường công tác phối hợp giữa lãnh đạo các tỉnh trong việc thực thi các chính sách chung của Chính phủ đề ra, nhằm khắc phục tính cục bộ trong hoạt động xây dựng địa phương.