Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201904/phat-trien-cong-nghiep-thuong-mai-theo-huong-ben-vung-849693/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201904/phat-trien-cong-nghiep-thuong-mai-theo-huong-ben-vung-849693/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng bền vững - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 17/04/2019, 09:32 [GMT+7]

Phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng bền vững

(Congannghean.vn)-Năm 2018, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành cấp trên cùng nỗ lực của các doanh nghiệp và người lao động nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại vẫn duy trì tăng trưởng, góp phần thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch kinh tế của tỉnh.

Các chương trình giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh
Các chương trình giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh

Theo báo cáo của Sở Công Thương, dự kiến đến năm 2020, các chỉ tiêu trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 19,01%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết (MTNQ) đề ra là 17 - 18%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 12,75%, dự kiến đến năm 2020 đạt MTNQ là 1,2 tỉ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8%, dự kiến đến năm 2020 đạt 120.000 tỉ đồng, hoàn thành MTNQ.

Theo đó, cơ cấu công nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội tăng từ 27,1% lên 34,5% năm 2018, trong khi MTNQ là 40 - 41%. Công tác phát triển cơ sở hạ tầng trong khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Hiện, tỉnh có 6 KCN trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh và 3 KCN ngoài khu kinh tế. Nhờ chú trọng đầu tư hạ tầng, nhiều KCN đã thu hút được nhà đầu tư và đi vào sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay quy hoạch 51 CCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.119 ha và đến nay, có 39 CCN đã triển khai các bước quy hoạch, trong đó có 22 CCN đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Hạ tầng thương mại trong thời gian qua cũng có bước phát triển khá, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa liên tục trong nhiều năm. Phương thức hoạt động, công nghệ quản lý và điều hành kinh doanh của các loại hình hạ tầng thương mại từng bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp.

Liên quan đến việc phát triển, nâng cao chất lượng mạng lưới điện, thực hiện Đề án phát triển hạ tầng cung cấp điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, theo Sở Công Thương, căn cứ trên tình hình thực tế triển khai đến thời điểm này, mục tiêu đến năm 2020 đưa điện về 100% các thôn, bản trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do hiện nay Nghệ An có 185 thôn, bản thuộc giai đoạn 2 Dự án cung cấp điện cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện của tỉnh chưa được bố trí nguồn vốn thi công và 40 thôn, bản khác (trong đó có 25 thôn, bản và Đảo Mắt không thể kết nối lưới điện quốc gia bằng nguồn năng lượng tái tạo) cũng chưa có điện.

Xuất phát từ thực tế triển khai các nhiệm vụ của ngành Công Thương thời gian qua, theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, Sở Công Thương cần xác định rõ những điểm nghẽn cốt yếu để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Đối với việc phát triển khu kinh tế, KCN, cần chú trọng công tác quy hoạch gắn với dự báo phát triển của tỉnh, tầm nhìn ít nhất đến năm 2025 để có lộ trình, bước đi hợp lý; cùng với đó, làm rõ phương thức huy động vốn đầu tư của Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa.  Đặc biệt, đối với công tác xã hội hóa xây dựng hạ tầng KCN gồm 2 phương thức là thu hút doanh nghiệp đầu tư như KCN VSIP, Hemaraj… hoặc có chính sách theo quy hoạch để nhà đầu tư cùng đầu tư hạ tầng.

Về phần phát triển các CCN, cần có giải pháp lấp đầy các CCN. Đặc biệt trong việc xây dựng hạ tầng các CCN, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì không nên đầu tư dàn trải mà cần thực hiện theo hình thức cuốn chiếu theo thứ tự ưu tiên về hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, trong thời gian tới, để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng và doanh thu, ngành Công Thương cần quán triệt rõ phương châm doanh nghiệp phải được xem là chủ thể của mục tiêu tổng thể. Bởi vậy, việc tạo điều kiện quan tâm phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

.

Thùy Dương

.