So với việc xuất khẩu bột đá trắng siêu mịn và đá thô (đá hộc) đã có sự chênh lệch rất lớn về giá trị thu được. Điều này không chỉ doanh nghiệp mất đi một khoản thu không đáng có và Nhà nước đang bị “chảy máu” tài nguyên một cách ồ ạt.
Đá trắng ở Nghệ An được phân bố chủ yếu ở huyện Quỳ Hợp, tập trung ở các xã như Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Cường, Châu Quang, Châu Lộc... với trữ lượng hàng trăm nghìn tấn. Những năm qua, việc khai thác, chế biến đá trắng ở Nghệ An chủ yếu để xuất khẩu là chính. Cụ thể, thời gian vừa qua, nguồn đá trắng của Nghệ An chủ yếu được xuất khẩu qua cảng Cửa Lò hoặc cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Theo báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò (thuộc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh), năm 2017, tổng số mặt hàng đá các loại xuất qua cảng Cửa Lò là 676.229 tấn; năm 2018 là 697.123 tấn (tăng 7% so với cùng kỳ). Trong khi đó, số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương tỉnh Nghệ An) năm 2018, giá trị xuất khẩu khoáng sản của tỉnh Nghệ An đạt 72 triệu USD.
Xuất khẩu đá trắng mới qua sơ chế, chưa tận dụng được hết giá trị thực của sản phẩm |
Số liệu năm 2018 cho thấy, khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1.210.155,12 tấn, thu được trên 24,181 triệu USD, trong khi đó đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là 383.667,17 tấn, thu được 40,51 triệu USD. Theo số liệu trên thì giá trị 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD, trong khi đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 100 USD (chênh lệch khoảng 5 lần); điều đó có nghĩa là, dù khối lượng đá hộc xuất đi gấp khoảng 4 lần so với đá trắng xay thành bột siêu mịn nhưng giá trị thu lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại chỉ bằng già nửa so với giá trị đá bột xay siêu mịn mang lại. Cụ thể, nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2018 vừa qua được các doanh nghiệp chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu thì nguồn thu lại cho tỉnh nhà sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng).
Ngoài ra, trong năm 2018, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn xuất được 894.847,52 m2 đá ốp lát (đá xẻ) với giá trị thu được gần 7,4 triệu USD (tương đương khoảng 8,3 USD/m2). Trước đó, năm 2017, tỉnh Nghệ An xuất được 362.913,63 tấn bột đá trắng siêu mịn, thu gần 30,6 triệu USD; xuất khẩu trên 1 triệu tấn đá hộc nhưng giá trị thu được cũng chỉ trên 25,1 triệu USD; giá trị xuất khẩu đá ốp lát là gần 4 triệu USD.
Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An, năm 2016, tổng thuế xuất khẩu thu được từ hoạt động xuất khẩu đá các loại là trên 66,196 tỉ đồng; năm 2017 là trên 81,43 tỉ đồng; năm 2018 là gần 102 tỉ đồng…
Trong việc khai thác đá trắng cũng đã có sự lãng phí tài nguyên, vì không tận dụng được tất cả các loại đá |
Theo những người am hiểu sâu về ngành đá trắng, các nước nhập khẩu bột đá trắng của Việt Nam sau đó tinh chế thành bột siêu mịn, thêm vào các loại phụ gia và bán sản phẩm có giá thành gấp rất nhiều lần. Đối với các loại đá hộc thô thì được đưa vào nhà máy xay bột nước - bột ướt (Việt Nam chưa có nhà máy công nghệ này - P.V) cũng có giá trị thương mại rất lớn. Qua đó có thể thấy, lâu nay nước ta vẫn không tận dụng được thế mạnh về tài nguyên này, vẫn ồ ạt xuất đá trắng thô ra nước ngoài thu được giá trị quá thấp so với các sản phẩm đã được tinh chế.
Theo Thông tư 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng về “hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng” đã từng cấm xuất khẩu nhiều loại khoáng sản, trong đó có đá vôi, phụ gia nằm trong quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng và đá khối. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn xuất khẩu các loại khoáng sản khác như: Đá vôi làm nguyên liệu sản xuất kính xây dựng, luyện kim, nung vôi... quy định kích thước cỡ hạt phải ≤ 200 mm; đá ốp lát quy định độ dày ≤ 100 mm; đá hạt (đá vôi, đá hoa...) kích thước cỡ hạt ≤ 20 mm; đá Đolomit hàm lượng MgO ≥ 18 %, kích thước cỡ hạt ≤ 60 mm; đá xây dựng kích thước cỡ hạt ≤ 60 mm… Mặt khác, tại Thông tư 12/2016/TT-BCT ngày 5/7/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT, ngày 21/12/2012 của Bộ Công thương quy định về xuất khẩu khoáng sản cũng đã quy định rất rõ ràng về tiêu chuẩn xuất khẩu đá hoa trắng dạng bột cỡ hạt < 1mm, độ trắng ≥ 85%; đối với dạng cục thì cỡ cục phải từ 1 - 400 mm, độ trắng ≥ 95% (chỉ được xuất đến hết năm 2020) và cỡ cục 1 - 400 mm, 95% > độ trắng ≥ 80%.
Mặc dù các Thông tư nói trên đều hướng đến tiêu chuẩn xuất khẩu các loại khoáng sản nói chung và đá trắng nói riêng theo hướng ưu tiên chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Thế nhưng, căn cứ vào những tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và thực tế việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đá trắng ở Nghệ An cho thấy, hầu hết việc xuất khẩu tài nguyên đá trắng vẫn chỉ đang dừng ở mức sơ chế hoặc xuất thô nên giá trị thu được của các mặt hàng này chưa phù hợp với giá trị thực của nguồn tài nguyên sẵn có.
.