(Congannghean.vn)-Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghệ An đã có sự thay đổi rõ rệt. Điều này không chỉ khẳng định tính cần thiết, đúng đắn, sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương với quê hương Bác Hồ mà còn tạo tiền đề để Nghệ An vươn mình mạnh mẽ hơn nữa trong tiến trình hội nhập sâu rộng hiện nay.
Sau 5 năm, nông thôn mới Nghệ An có nhiều chuyển biến rõ rệt (Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong lần về dự Hội nghị nông thôn mới ở Nam Đàn) |
Một Nghị quyết dành riêng cho Nghệ An
Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An là địa phương được Bộ Chính trị dành riêng cho một Nghị quyết để xác định rõ mục tiêu, con đường đi phía trước. Nghị quyết được ban hành là một vinh dự lớn lao, cũng là trách nhiệm chính trị quan trọng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, tạo cơ hội, tiền đề để Nghệ An phát triển mạnh mẽ. Sau khi có Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động số 24 ngày 8/10/2013; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5260 ngày 6/11/2013 về kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, gồm 21 chương trình đề án lớn. Tỉnh cũng đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Nhìn lại kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, mới thấy rõ sự quyết tâm và những kết quả nổi bật mà tỉnh nhà đã đạt được. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 là 115,67 nghìn tỉ, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bình quân giai đoạn 2014 - 2018 tăng 8,0%/năm. Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng đều hàng năm, năm 2018 đạt 14.052 tỉ đồng, tăng 1,74 lần so với năm 2013. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng 1,57 lần so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 74,97% lên 79,50%; nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 25,03% xuống 20,50% so với năm 2013. Một số sản phẩm chủ lực có sản lượng tăng và khẳng định được vị trí trên thị trường.
Việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng được xem là nhiệm vụ đầu tiên trong những năm đầu triển khai Nghị quyết 26. Đến nay, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh nhà có sự thay đổi vượt bậc trong các mảng: Giao thông, thủy lợi, điện, phát triển đô thị, bưu chính viễn thông, trong đó phải kể đến những công trình quan trọng như: Nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh thành sân bay quốc tế; nâng cấp cảng Cửa Lò phục vụ tàu tải trọng 3 vạn tấn, xây dựng cụm cảng Đông Hồi, cảng Vissai Nghi Thiết; đường Tây Nghệ An; cầu vượt sông Lam; Bệnh viện Đa khoa 700 giường bệnh; hoàn thành Dự án cầu Hiếu II; đưa vào sử dụng cầu vượt tại nút giao D4 với QL1A cũ và đường sắt Bắc - Nam; cơ bản hoàn thành bến 5 cảng Cửa Lò.
Đặc biệt, hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vùng đặc thù thường xuyên được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, tỉ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Sau 5 năm, môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Nghệ An trong những năm qua liên tục tăng hạng: Năm 2013 xếp thứ 46, đến năm 2017 vươn lên xếp thứ 21 của cả nước, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là vị trí cao nhất từ trước đến nay. Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đạt khá, tính đến ngày 15/11/2018, đã thành lập mới 1.683 doanh nghiệp, tăng 5,25% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14 - 15%/năm. Giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh đã thu hút được 541 dự án, tổng số vốn đầu tư 179.743 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung của Nghị quyết 26 là xây dựng TP Vinh thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố đạt 8,63%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 76,79 triệu đồng, cao gấp 2,25 lần so với mức bình quân của cả tỉnh…
Diện mạo Nghệ An đã có nhiều đổi thay, khởi sắc |
Đường lớn đã mở
Những kết quả nổi bật mà Nghệ An đã đạt được sau chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 đã chứng minh, địa phương đã nhìn rõ hướng đi, con đường mà mình cần tập trung phát triển. Chiều 21/3, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26. Sau khi nhìn lại, đánh giá những kết quả, mặt tồn tại, khó khăn, tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Chính trị xem xét, ban hành kết luận về tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giám sát thực hiện Nghị quyết 26; tiếp tục chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương triển khai các nội dung đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước kết luận đối với tỉnh Nghệ An.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Nghị quyết 26 trong 5 năm qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước biểu dương về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế biển, khu vực miền Tây, xây dựng nông thôn mới... ở Nghệ An. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Nghị quyết 26. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số chỉ tiêu chưa đạt, nhất là chỉ tiêu về bình quân thu nhập đầu người.
Trong thời gian tới, Nghệ An cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa; cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tìm mọi cách khắc phục hạn chế, yếu kém, khó khăn; phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh phát triển thuộc tốp đầu của cả nước. Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà tỉnh đã đề ra, các ý kiến góp ý của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, tỉnh phải chú ý về cách làm, nhân lực và trí tuệ. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch 10 năm, 5 năm, tỉnh phải chọn bước đi phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn, đặc biệt là phải biết lựa chọn mũi nhọn để phát triển, tránh dàn trải. Đồng thời, phải tính toán kỹ về nguồn lực phát triển, xác định các dự án ưu tiên, cấp thiết để làm trước; lựa chọn dự án nào phải đảm bảo chắc chắn có nguồn lực và thực hiện thành công; tránh đề ra quá nhiều mục tiêu, dự án mà không đủ nguồn lực để thực hiện...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chuyển tải tinh thần, tình cảm, nhiệt huyết từ cuộc làm việc với Bộ Chính trị thành quyết tâm vươn lên của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Đến năm 2023, khi tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Bộ Chính trị sẽ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổng kết và cần thiết sẽ ra nghị quyết mới thay thế. Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh hứa sẽ đoàn kết, cố gắng thực hiện các điểm đột phá, khắc phục những hạn chế, khó khăn; hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết vào năm 2023.