Kinh tế xã hội
Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2018
Nỗ lực chạm đích 'vùng núi tiến kịp miền xuôi'
08:43, 19/03/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) giảm xuống còn 17,1%, thu nhập bình quân đầu người bằng 76,8% so với toàn tỉnh. Đây là những điểm sáng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018 trên địa bàn tỉnh; góp phần chạm đích mục tiêu miền núi tiến kịp vùng xuôi.
Thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh, cùng với việc đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2018 trên địa bàn tỉnh đạt 21.791,32 tỉ đồng, bình quân hàng năm đạt trên 3.113,05 tỉ đồng.
Trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chương trình giảm nghèo và sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể |
Trong những năm qua, Chương trình 30a và Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả sâu rộng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH cũng như đảm bảo an sinh xã hội vùng DTTS, MN. Không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nguồn vốn từ 2 chương trình trên còn được phân bổ cho mục đích hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo...
Giai đoạn 2012 - 2015, Chương trình 30a đã hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục đào tạo, dạy nghề cho người dân các huyện nghèo và chính sách nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện 242.610 triệu đồng. Nguồn vốn của Chương trình còn được sử dụng để chi trả lương cho các trí thức trẻ tăng cường về làm cán bộ tại các xã; hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng; hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ cho lao động thuộc các huyện nghèo vay vốn đi xuất khẩu lao động... Cũng trong giai đoạn trên, Chương trình 135 tập trung hỗ trợ các địa phương 666.059 triệu đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; duy tu, sửa chữa 301 công trình hạ tầng; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ 53.627 con giống và hàng trăm giống cây các loại… với 20.143 lượt hộ nghèo được hưởng lợi.
Giai đoạn 2016 - 2018, bên cạnh các nội dung hỗ trợ trên, nguồn vốn thực hiện 2 Chương trình 30a và 135 tập trung vào việc đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; đồng thời hỗ trợ các địa phương thực hiện quản lý đầu tư 1.094 công trình.
Minh chứng cho những đổi thay tích cực của quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018 trên địa bàn tỉnh đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân vùng DTTS, MN đạt 8,4%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29,09 triệu đồng, bằng 76,8% so với toàn tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng… đã mang diện mạo mới. Đến năm 2018, 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 100% số xã có trạm y tế, trong đó trạm y tế đạt chuẩn quốc gia chiếm 87%, 100% số xã có đủ trường, lớp học cho các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, trong đó trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 63%...
Đến nay, trên địa bàn vùng DTTS, MN Nghệ An đã có 61 xã thuộc 11 huyện, thị vùng miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, có 97 thôn, bản đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh và 1 đơn vị cấp huyện (TX Thái Hòa) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nói trên, thực tế thực hiện chương trình giảm nghèo tại các huyện miền núi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Quy mô nhiều mô hình giảm nghèo còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo còn thấp, công tác lồng ghép nguồn lực khó khăn, thiếu bền vững; một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo… Hiện, toàn tỉnh còn 9.500 hộ đặc biệt khó khăn, trong đó có gần 2.500 hộ không có khả năng thoát nghèo. Theo đó, sắp tới, tỉnh sẽ có chính sách bảo trợ từ 300 - 400.000 đồng để các hộ này đảm bảo cuộc sống.
Có thể nói, không chỉ góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo còn có tác động tích cực tới việc thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh nói chung, vùng DTTS, MN nói riêng. Quan trọng hơn cả, hiệu quả của các chương trình giảm nghèo góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phục vụ đắc lực sự phát triển của địa phương.
Thùy Dương