Kinh tế xã hội

Chậm thu phí không dừng: Bộ sẽ không nương tay

16:36, 07/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: Đến ngày 31/12/2019, nếu dự án nào không tổ chức thu phí tự động thì buộc dừng thu phí, nhà đầu tư chậm trễ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, Bộ GTVT sẽ không nương tay.
 
Có thể thấy rõ, đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Do đó, ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành  Quyết định số 07/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Nhiều trạm thu phí đường bộ vẫn sử dụng 2 làn thu phí hỗn hợp và tự động
Nhiều trạm thu phí đường bộ vẫn sử dụng 2 làn thu phí hỗn hợp và tự động
 
Trên chỉ đạo "nhanh", dưới thực hiện  "chậm"
 
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ lộ trình bàn giao việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là “Chậm nhất đến 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng” và “việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng”.
 
 
Ngay từ tháng 10/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Trong đó, Nghị quyết này yêu cầu từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT trên cả nước.
 
Đồng thời tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và vận hành khai thác đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT nói riêng và PPP nói chung, nhằm bảo đảm minh bạch, công khai, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý các dự án.
 
Ngày 27/2/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
 
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng ngay trong quý 1/2018 về lộ trình cụ thể chuyển thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT trên toàn quốc. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, bảo đảm nguyên tắc chỉ sử dụng một công nghệ thu phí tự động không dừng thống nhất trên toàn quốc. (chỉ một thẻ có thể sử dụng đi qua tất cả các trạm BOT trên toàn quốc – PV).
 
Gần đây nhất là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 1638/VPCP-CN ngày 28/2/2019 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GTVT và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Bộ GTVT và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng theo quy định tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, Quyết định số 07/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử không dừng.
 
Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan quyết liệt triển khai thu phí tự động không dừng nhưng việc triển khai vẫn chậm.
 
Chậm triển khai vì ngại… công khai ?
 
 
Đây là vấn đề được dư luận nhân dân quan tâm nhưng tại sao lại chậm triển khai thực hiện? Trong khi thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) nhằm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm trong hoạt động thu phí, được xã hội ủng hộ bởi những tiện ích rõ ràng như giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhân công…
 
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), hiện nay trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, trong đó 74 trạm do Bộ GTVT quản lý, còn lại do UBND các tỉnh, thành phố quản lý. Từ năm 2015, Bộ GTVT đã bắt đầu tính đến chuyện thu phí không dừng, trước hết trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới lắp đặt được khoảng 26 trạm thu phí không dừng.
 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký hợp đồng độc quyền (chỉ có 1 nhà cung cấp thực hiện) với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC - Công ty con của Công ty CP Tasco) thực hiện với lý giải là thời điểm đó chỉ có mỗi công ty này tham gia đấu thầu.
 
Một số chuyên gia và dư luận cho rằng, việc chậm triển khai, không thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với việc nhanh chóng chuyển sang thu phí không dừng, ngoài các lý do khách quan mà các cơ quan có trách nhiệm hay viện dẫn, thì nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng và các nhà đầu tư.
 
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ là “dừng hoạt động thu phí đối với các dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/QĐ-TTg cho đến khi triển khai tổ chức thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng”. Thế nhưng việc này cũng bị chậm, dẫn đến những nghi ngờ, băn khoăn của dư luận xã hội.
 
 
Sẽ không nương tay
 
Trong Phiên giải trình ngày 6/3/2019 tại Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và bảo đảm trật tự an toàn giao thông các năm 2017, 2018 và đầu năm 2019 và các giải pháp trong thời gian tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể làm rõ vấn đề này trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
 
Trả lời nội dung này trước Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện Quyết định 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quyết định này có hai mốc: Giai đoạn 1 cuối năm 2018 là tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải tiến hành thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, đến cuối 2018 vẫn còn 8 trạm thu phí làm thu phí thủ công.
 
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí phải thu phí tự động không dừng thì toàn bộ xe trên lãnh thổ nước ta đi qua các trạm thu phí phải dùng thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag). Chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2019 này và năm 2020 việc thu phí tự động không dừng mới bảo đảm đồng bộ trong cả nước”, Bộ trưởng Thể cho hay.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, trên 30 trạm đã có thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, do số phương tiện mua thẻ phí tự động không dừng ở nhiều vùng không có nên rất chậm. Nhiều trạm thu phí có khoảng 10 làn thì đưa vào thu phí tự động từ 4-6 làn, các làn còn lại tổ chức thu phí thủ công.
 
Quyết tâm của Bộ GTVT là đẩy nhanh tiến độ việc này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tháng nào, Bộ GTVT cũng tổ chức họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiểm điểm trách nhiệm của Bộ GTVT phối hợp với các địa phương để cuối năm nay sẽ hoàn thành việc tổ chức thu phí tự động không dừng.
 
Chiều ngày 6/3/2019, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm về tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng. Theo đó, hiện 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã vận hành ETC trên tổng số 44 trạm giai đoạn 1. 
 
 
Các trạm còn lại trên tuyến quốc lộ và cao tốc đang triển khai có thể hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, việc lắp đặt ETC trên 5 tuyến cao tốc thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc VN (VEC) quản lý diễn ra chậm chạp, triển khai thiếu quyết liệt. Điều này làm ảnh hưởng tới tiến độ lắp đặt trạm thu phí tự động không dừng tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong khi đây là khu vực cửa ngõ Thủ đô thường xuyên ùn tắc.
 
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Đến ngày 31/12 nếu dự án nào chưa thực hiện thu phí tự động thì buộc dừng thu phí, nhà đầu tư chậm trễ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, Bộ sẽ không nương tay. Đồng thời cho biết, tất cả xe công đều phải dán thẻ E-tag, Bộ Giao thông vận tải thực hiện trước để làm gương./.
 
Lê Sơn

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác