Kinh tế xã hội

Blockchain: Tiềm năng lớn với ngành logistics, thực phẩm và nông nghiệp

09:47, 05/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hội thảo Tác động của đổi mới công nghệ lên kinh doanh và tài chính trong thời kỳ toàn cầu hóa tại Đại học Báck khoa TPHCM cuối tuần qua cho thấy trong khi ứng dụng blockchain vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi về thời cơ và thách thức ở khu vực tài chính-ngân hàng thì ở những ngành, lĩnh vực khác như logistics, thực phẩm, nông nghiệp, công nghệ này lại đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành.
 
Lan tỏa mạnh đến các ngành thực phẩm, logistics và nông nghiệp
 
Tuy được “thai nghén” từ lĩnh vực tài chính với ứng dụng vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi là Bitcoin nhưng công nghệ blockchain - với ưu thế về truy xuất dữ liệu nhanh chóng, an toàn, chuẩn xác - đã nhanh chóng lan tỏa sang nhiều ngành khác như logistics, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông nghiệp…
 
Theo ông Nguyễn Hà Tuấn - Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công ty IBM Việt Nam - tính toán của IBM và “đại gia” logistics Maerks cho thấy nếu ứng dụng nền tảng thương mại xuyên biên giới Tradelens (được xây dựng bằng công nghệ blockchain) thì mỗi năm nền kinh tế thế giới có thể tiết kiệm được khoảng 27 tỷ USD nhờ giảm thiểu được vô số giấy tờ, quy trình thủ công, thông tin dư thừa, trùng lặp.
 
Ngoài ra, với blockchain, thông tin cũng đồng thời được chia sẻ và minh bạch hơn. Hàng hóa từ đó được thông quan nhanh chóng, việc kiểm tra, xác minh, tránh gian lận thương mại cũng thuận tiện hơn...
 
Đương nhiên, con số 27 tỷ USD trên tổng số khoảng 14.000 tỷ USD tổng giá trị lưu chuyển thương mại toàn cầu vẫn là con số rất khiêm tốn. “Nhưng ý nghĩa của câu chuyện lại nằm ở chỗ khi công nghệ trên nền tảng blockchain này được kết hợp cùng với AI, IoT, Cloud, Big Data... cho công tác quản lý, khai thác, dự đoán, hỗ trợ các bên tham gia chuỗi cung ứng thì giá trị “cộng hưởng” mang lại là chưa thể nào ước tính hết được”.
 
Cùng với đó, những bài toán “muôn năm cũ” của ngành nông nghiệp như “trồng cây gì, nuôi con gì, số lượng bao nhiêu, khi nào thu hoạch, khi nào cần bán, nên bán cho ai” về lý thuyết hoàn toàn có thể được các thành tựu công nghệ mới của thời đại 4.0 - trong đó có blockchain - hóa giải hiệu quả.
 
Và nếu như cách thức phổ biến hiện nay để xác nhận nguồn gốc của nông sản, thực phẩm vẫn đang theo kiểu “nhà nhập khẩu/người mua cho chuyên gia ‘cắm chốt’ ở nước xuất khẩu hoặc tại nơi sản xuất để giám sát chất lượng sản phẩm, dán tem chứng nhận; hoặc bên mua lập đủ kiểu cơ chế kiểm tra, thanh tra thực địa sản xuất”, thì những năm gần đây, blockchain đã được sử dụng để xây dựng nên những ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm hết sức “lợi hại” - như cách thức mà các cơ quan chức năng TPHCM, các DN và một số nhà bán lẻ Việt Nam đang làm tại chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm hiện nay.
 
“Blockchain đang giúp cắt ngắn chuỗi cung ứng nhưng vẫn có thể cung cấp thông tin chính xác, cập nhật và nhanh chóng nhất cho các bên tham gia vào hệ sinh thái, đặc biệt là các cơ quan chức năng”, TS. Đào Hà Trung - “cha đẻ” của ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm TE-Food - nói thêm.
 
Tất nhiên vẫn có những ngờ vực về độ chính xác của dữ liệu đầu vào - yếu tố tiên quyết làm nên tính hiệu quả của một ứng dụng trên nền tảng blockchain - khiến thực phẩm và nông nghiệp đang bị cho là “chậm chân” hơn so với khu vực tài chính, ngân hàng, nơi đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi với lợi thế nhất định về khả năng tiếp cận công nghệ cao. Tuy nhiên, “cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, những thành tố tạo nên ‘đầu vào’ cho các ngành thực phẩm, nông nghiệp sẽ dần cải thiện, đạo đức nghề nghiệp của người thẩm định, cấp phép, chứng nhận chất lượng, các nhà sản xuất cũng sẽ cao hơn. Và thành công của blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm chỉ là vấn đề thời gian”, TS. Kinh tế, tài chính Dương Như Hùng - Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp (Đại học Bách khoa TPHCM) nhận định.
 
Ứng dụng blockchain vào tài chính: Thận trọng là cần thiết
 
Theo ông Sanjay Chakrabarty - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) - với blockchain, người ta có thể khiến các giao dịch tài chính hay quyết định đầu tư trở nên dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng, an toàn và với chi phí thấp hơn nhiều so với cách thức truyền thống. Độ lớn của mỗi giao dịch trên nền tảng blockchain do đó cũng sẽ tăng lên, thu hút ngày càng nhiều người tham gia hơn. Người ta nhận ra không chỉ có thể giữ tiền tiết kiệm trong ngân hàng mà còn rất dễ rót vào cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư… “Mức độ sẵn sàng trong tiếp cận công nghệ mới của ngành tài chính - ngân hàng là rất cao. Tiềm năng của blockchain đối với nền kinh tế hiển nhiên cũng vô cùng to lớn nhưng nếu nói dựa trên nền tảng công nghệ này để thiết lập nên hệ sinh thái kinh doanh cho phạm vi cả nước lại là điều không hề dễ dàng”, nhà quản trị đến từ OCB thận trọng nói.
 
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc Quốc gia Karpersky Việt Nam - cũng cho rằng bản thân ngành tài chính-ngân hàng đã và đang tiên phong trong ứng dụng các thành tựu mới của công nghệ thông tin, lại có lợi thế về lực lượng nhân sự mạnh, kỹ năng tốt, va chạm với công nghệ số hằng ngày nhưng kinh nghiệm cho thấy khi ứng dụng rộng rãi blockchain, những khu vực tài chính-công nghệ như insurtech (công ty công nghệ cung cấp dịch vụ bảo hiểm), fintech (công ty công nghệ làm dịch vụ ngân hàng) đang có xu hướng “vuột” khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và hành lang pháp lý hiện hành.
 
Cũng trong một quan điểm thận trọng khác, ông Robert Trọng Trần - Giám đốc Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật thông tin (PWC Việt Nam) - tin rằng công nghệ blockchain với sản phẩm tiền ảo đang hàm chứa rủi ro lớn. Một tỷ lệ không nhỏ các giao dịch liên quan tới tiền ảo hiện nay đều là lừa đảo”.
 
Dưới góc nhìn của TS. Dương Như Hùng thì cách thức vận hành của công nghệ blockchain đang đi ngược với các quy tắc trong quản trị tài chính nói riêng và các quy định pháp luật nói chung. Theo đó, cái gì muốn bảo mật thì sẽ được lưu giữ ở nơi kiên cố, với rất nhiều “tường lửa” chống thâm nhập. Còn blockchain lại dùng cơ chế “tản quyền” (decentralize) để chống lại mọi sự thay đổi, giả mạo. Tức một khi thông tin đã được chuyển đi khắp mạng lưới rồi thì không ai có thể điều chỉnh, sửa chữa được nữa.
 
“Không một quốc gia nào muốn từ bỏ quyền kiểm soát đối với đồng nội tệ, cũng như dòng lưu chuyển tiền tệ của nền kinh tế. Hãy tưởng tượng nếu bitcoin được phép sử dụng rộng rãi thì điều gì sẽ xảy ra? Một khi vị trí đồng nội tệ bị lung lay thì sẽ rất khó để thực hiện các chính sách tiền tệ khác. Từ đó sẽ dẫn tới mất kiểm soát ở nhiều cân đối kinh tế vĩ mô”, TS. Dương Như Hùng khẳng định.
 
Như vậy, không thể phủ nhận blockchain đang có tiềm năng ứng dụng to lớn ở logistics, thực phẩm, sản xuất nông nghiệp… nhưng “phổ cập” công nghệ ấy vào ngành tài chính - ngân hàng lại đang hàm chứa những rủi ro khó lường. Vì thế, sự thận trọng là rất cần thiết để có một hành lang pháp lý tương đối điều chỉnh được “hiện tượng” công nghệ này.

Nguồn: Phương Hiền/Chinhphu.vn

Các tin khác