Kinh tế xã hội
Đưa xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu
07:47, 05/03/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 2018, Nghệ An đạt nhiều kết quả toàn diện trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là rất lớn, nhất là trong thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững, tạo sự chuyển biến rõ nét tại các địa phương, xây dựng thương hiệu về những “miền quê đáng sống” tại xứ Nghệ.
Diện mạo nhiều xã ở Quỳnh Lưu đã khởi sắc nhờ nông thôn mới |
Hiện nay, trong quá trình thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM hiệu quả, chất lượng, tỉnh Nghệ An đang hướng tới thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2017 - 2020 và triển khai Đề án Huyện nông thôn mới kiểu mẫu Nam Đàn. Năm 2019, Nghệ An phấn đấu có thêm ít nhất 39 xã và thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Yên Thành). Mục tiêu cốt lõi trong chương trình xây dựng NTM là “nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Nghệ An đã ban hành được Bộ Tiêu chí và kế hoạch xây dựng “Vườn chuẩn NTM” và đã phát động triển khai cuộc thi mẫu “Xã NTM đẹp và thôn (bản) NTM đẹp” năm 2018 theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy. Các xã xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục huy động được nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa vào đầu tư nâng cao các tiêu chí.
Mục tiêu giai đoạn tới là rất lớn, điều này đòi hỏi các cấp chính quyền phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung thực hiện. Đó là cần kiên định với mục tiêu xây dựng NTM; kiên trì gắn việc tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng NTM; xác lập đúng vai trò của doanh nghiệp, trong đó quan tâm tạo ra một số doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt và phải tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp; xác định vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM; phát triển NTM gắn với phát triển văn hoá nông thôn.... Ngoài việc kêu gọi những con em thành đạt về đóng góp cho quê hương, khơi dậy sức mạnh nội tại của chính mỗi địa phương trong thực hiện quyết liệt các giải pháp NTM vẫn là quan trọng nhất.
Đồng thời, cần tạo nên phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; gắn với xây dựng phát huy truyền thống văn hóa, cốt cách, nét đẹp con người, hình thành thành miền quê đáng sống kiểu mẫu. Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng NTM ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, ông Hoàng Văn Lai, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân cho biết: Quan trọng nhất là kêu gọi và giúp người dân thấy được trách nhiệm, niềm vui trong chung tay xây dựng NTM. Bởi nguồn lực nhân dân vẫn là sức mạnh to lớn nhất để xây dựng bền vững và có chiều sâu NTM tại địa phương.
Quan sát tại các địa phương ở tỉnh trong thực hiện xây dựng NTM, ta nhận thấy sự khởi sắc, đổi thay là cơ bản, quan trọng. Song không phải không có những “hạt sạn”. Nợ đọng tiền xây dựng nông thôn mới vẫn là nhiệm vụ mà các địa phương cần tập trung điều chỉnh, khắc phục. Trong khi đó, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền còn khá lớn. Vấn đề rác thải nông thôn vẫn chưa có biện pháp giải quyết ổn định. Ô nhiễm môi trường ở một số xã đang đặt ra bài toán nan giải trong khắc phục, thay đổi. Mặt khác, việc hình thành chuỗi nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm vẫn đang gặp khó. Chất lượng cuộc sống đang được nâng lên nhưng đời sống tinh thần vẫn cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An”. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị và được xem là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trọng tâm của mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Nghệ An là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng gia tăng giá trị do các tổ chức kinh tế OCOP tại địa phương thực hiện.
Đề án “Mỗi xã một sản phẩm Nghệ An” được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện từ năm 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Đối tượng là các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản, sản phẩm truyền thống địa phương (công nghệ có nguồn gốc và nguyên liệu ở địa phương). Hiện, toàn tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Có thể thấy, việc tổ chức mỗi xã một sản phẩm là cách thức tổ chức lại sản xuất ở nông thôn nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch; góp phần cụ thể hóa các mục tiêu trong xây dựng NTM ở các địa phương.
Mục tiêu mà Nghệ An đặt ra trong thời gian tới không chỉ thể hiện ở các con số xã, huyện NTM được nâng lên, mà cùng với đó, người dân nông thôn cũng có cuộc sống như những tiêu chí khu dân cư đạt chuẩn NTM hướng đến. Do đó, các địa phương không được cho phép chạy theo thành tích, phải tiến chắc, “về đích” bền. Có như vậy, NTM sẽ thấm vào từng gia đình, từng thôn bản vì mục tiêu con người, vì cuộc sống người dân.
TUỆ TRANG