Kinh tế xã hội
Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch lưu niệm
09:39, 05/03/2019 (GMT+7)
(Congangnhean.vn)-Thời gian qua, cùng với tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú…, việc xây dựng sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của địa phương nhằm tạo thương hiệu riêng cũng được Nghệ An đặc biệt chú trọng.
Hàng năm, Nghệ An đón khoảng 5 triệu lượt du khách đến tham quan, riêng năm 2018 đón khoảng 6 triệu lượt khách với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 6.000 tỉ đồng.
Trên thực tế, mặc dù tiềm năng cũng như thế mạnh về thị trường quà tặng lưu niệm rất lớn, với nhiều làng nghề truyền thống, song theo đánh giá, hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn còn khá đơn điệu và chưa thật sự tạo được dấu ấn đối với du khách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo dựng chỗ đứng cũng như nâng cao vị thế của ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần nhiều giải pháp phát triển các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch để ngành này phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có. Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, UBND tỉnh đã họp và cho ý kiến về Đề án Phát triển một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; qua đó tạo ra sản phẩm có độ tinh xảo và chất lượng cao, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách nhằm tăng doanh thu bán hàng, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm làng nghề. Đồng thời tranh thủ sự đóng góp về trí lực, vật lực của các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp và các hội nghề ở địa phương vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.
Xây dựng hàng hóa, sản phẩm du lịch lưu niệm đặc thù góp phần nâng cao giá trị thương hiệu du lịch Nghệ An |
Theo thống kê, hiện nay, trong số gần 900 sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu, kiểu dáng, giải pháp hữu ích, phát minh sáng chế thì các đối tượng có thể đưa vào danh mục sản phẩm, hàng hóa lưu niệm đã có 34 sản phẩm đăng ký công bố chất lượng, 9 sản phẩm có đăng ký sở hữu trí tuệ, 17 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhiều sản phẩm đã được gắn mác truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu mới chỉ tập trung ở nhóm chế biến nông sản, hải sản, thực phẩm, đồ uống, còn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các mặt hàng khác chưa thật sự được chú trọng.
Theo Đề án, giai đoạn 2019 - 2025, định hướng phát triển hàng hóa, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch của tỉnh phải đảm bảo 2 đặc tính: Gọn nhẹ, tiện lợi, dễ lưu hành và mang tính đại chúng; mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của điểm đến, được sản xuất từ nguyên liệu tại địa phương, mang nét đặc trưng của xứ Nghệ. Bộ sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch gồm 5 nhóm: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông sản, thực phẩm; nhóm sản phẩm hải sản chế biến; nhóm sản phẩm đồ uống thảo dược; nhóm trang sức, phục sức. Liên quan đến định hướng về phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm, 4 cơ sở sản xuất, làng nghề gắn với tuyến du lịch cố định được ưu tiên phát triển gồm: Các cơ sở doanh nghiệp (DN), làng nghề sản xuất hàng lưu niệm (LNSXHLN) gắn với tuyến du lịch Vinh - Cửa Lò - Kim Liên (Nam Đàn); các cơ sở DN, LNSXHLN gắn với tuyến du lịch Diễn Lâm - Lễ hội hoa hướng dương - lễ hội Hang Bua - thác Sao Va; các cơ sở DN, LNSXHLN gắn với tuyến du lịch nghỉ dưỡng đập Cầu Cau - Vườn Quốc gia Pù Mát - đập thủy điện Bản Vẽ - Cửa khẩu Nậm Cắn; các cơ sở DN, LNSXHLN gắn với tuyến du lịch Cửa Lò - Bãi Lữ - Biển Quỳnh. Cũng theo Đề án, dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới 7 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm tập trung.
Để Dự án nói riêng và công tác phát triển hàng hóa, sản phẩm du lịch lưu niệm của tỉnh nhà nói chung thành công, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, một trong những yêu cầu quan trọng, mang tính nền tảng là cần đánh giá thêm nhu cầu, thị hiếu của du khách, thị trường tiêu thụ trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng hóa lưu niệm. Cùng với đó, cần phân kỳ đầu tư, tập trung hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm cụ thể theo từng giai đoạn…
Trong quá trình thực hiện, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các vùng có điều kiện; bổ sung thêm quy hoạch các vị trí xây dựng hệ thống mạng lưới tại 7 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư… Về định hướng phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm, cần xây dựng chính sách bảo trợ, hỗ trợ cho một số làng nghề đặc trưng; cùng với đó, có cách làm giúp các du khách có thể tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ và thưởng thức sản phẩm tại nơi sản xuất. Một yêu cầu quan trọng khác là công tác kiểm soát các sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, tạo niềm tin cho khách hàng cần được giao trách nhiệm cho một đơn vị cụ thể.
Với hướng đi và lộ trình phù hợp, việc xây dựng hàng hóa, sản phẩm du lịch lưu niệm đảm bảo tính nguyên sơ, đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút du khách, tạo đà cho du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững.
Thùy Dương