(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt là trong việc xây dựng kế hoạch hành động để phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị (CGT) gắn với sản xuất, chế biến, thương mại - tiêu thụ nhằm tối đa hóa giá trị trong sản xuất.
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo dựng chỗ đứng cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà |
Dấu ấn hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua phải kể đến mối quan hệ mật thiết với Nhật Bản. Việc triển khai thực hiện Dự án hợp tác kỹ thuật quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp Nghệ An là một trong những điểm nhấn quan trọng; qua đó, mở ra hướng đi hợp lý để giải quyết những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như tình trạng “được mùa rớt giá”, chủ yếu là chế biến thô, sản phẩm chưa đáp ứng được thị trường khó tính...
Bắt đầu triển khai từ năm 2016 và kết thúc vào năm 2019, sau 3 năm thực hiện, kế hoạch hành động để phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh đã được đội ngũ tư vấn Dự án xây dựng. Xác định “nút thắt” lớn khi chưa xây dựng được sự gắn kết giữa các thành phần tham gia CGT ngành Nông nghiệp đó là nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, Dự án đưa ra nhiệm vụ phải tập trung thực hiện 3 chính sách, 4 vùng chiến lược phát triển CGT.
Theo đó, 3 chính sách là: Thành lập hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin thị trường; nâng cao dịch vụ hành chính nông nghiệp và cơ sở hạ tầng để phát triển CGT; phát triển năng lực của các đơn vị và nhân lực liên quan đến phát triển CGT. 4 vùng chiến lược phát triển CGT gồm: Vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn ở TP Vinh, TX Cửa Lò (rau an toàn, trứng gà); vùng sản xuất nguyên liệu thô phục vụ chế biến thực phẩm, xuất khẩu tại các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai (với các sản phẩm lạc, vừng, gạo); vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản có giá trị gia tăng cao tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, TX Thái Hòa; vùng thúc đẩy sản xuất nông sản đặc dụng tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu (với các sản phẩm gừng, tỏi, cây ăn quả, chè, bò mông, lợn đen, gà đen).
Trong thời gian triển khai Dự án, tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ kết nối, triển khai trên địa bàn nhiều dự án thí điểm theo CGT như cam, bưởi, gừng, khoai tây… Qua đó, đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động cho một số hợp tác xã nông nghiệp, kỹ thuật canh tác cũng như nâng cao nhận thức tuân thủ giao dịch kinh doanh cho nông dân. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tổ chức JICA đã cam kết sau khi Dự án kết thúc, vẫn cử các chuyên gia hỗ trợ giúp đỡ tỉnh trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.
Cũng liên quan đến quy hoạch phát triển nông nghiệp Nghệ An, trước mắt, trong năm 2019, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể với các mục tiêu cao hơn kế hoạch. Để hiện thực hóa kịch bản, ngành sẽ tập trung thu hút các nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh.
Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò là người dẫn dắt của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã, chú trọng đầu tư các trang trại chăn nuôi lớn. Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với những định hướng rõ ràng, bước đi cụ thể, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước bạn, tin tưởng rằng, kịch bản tăng trưởng cũng như quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp Nghệ An sẽ từng bước hiện thực hóa. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống của 75% dân số đang phụ thuộc vào nông nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.