Kinh tế xã hội

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp 'bức tử' môi trường

14:33, 07/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2003 - 2015, toàn tỉnh có 77 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, có 42 cơ sở nằm trong danh sách này đã được xác nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để (trong năm 2018 đã xác nhận cho 13 cơ sở). Còn 35 cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để, trong đó có 23 cơ sở công ích.

Làng nghề nằm trong nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hiện nay (Trong ảnh: Rác thải bủa vây làng nghề - cảng cá Lạch Vạn)
Làng nghề nằm trong nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hiện nay (Trong ảnh: Rác thải bủa vây làng nghề - cảng cá Lạch Vạn)

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 15 nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, trong đó, 12 cơ sở có nguồn nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm và 3 cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn. Đến nay, có 8/15 đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trong đó có 2 đơn vị là Nhà máy xử lý nước thải Hưng Hòa và Khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh đã truyền dẫn số liệu quan trắc tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Riêng KCN Đông Hồi và Nghĩa Đàn chưa tiến hành lắp đặt. Qua kết quả quan trắc chất lượng môi trường của các đơn vị trong các kỳ quan trắc giám sát và kết quả phân tích mẫu môi trường của các Đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước trong năm 2018 cho thấy, hiện vẫn đang còn nguồn thải của Công ty CP bia Hà Nội - Nghệ An, nước thải sau xử lý còn 1 chỉ tiêu chưa đạt quy chuẩn.

Ngoài ra, thống kê cho thấy, đến nay trên địa bàn Nghệ An còn tồn tại nhiều loại hình đặc trưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gồm các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (hiện có 954 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, đã điều tra khảo sát xong 240 điểm, đang điều tra 714 điểm; trong đó phải xử lý khoảng 150 điểm, theo dõi và quản lý bền vững khoảng 804 điểm); đến nay đã có 6/10 KCN nằm trong quy hoạch đang xây dựng và hoạt động, với tổng cộng 72 doanh nghiệp; các điểm xử lý nước thải (với tổng lượng nước thải phát sinh 3.700 m3/ngày đêm.

Hiện có 3/6 KCN đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp (CCN), theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có 50 CCN với tổng diện tích 802,8 ha, đến nay đã có 20 CCN đi vào hoạt động với 248 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; có 4 doanh nghiệp FDI quy mô tương đối lớn, hoạt động trong lĩnh vực may mặc, còn lại là quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, lâm sản, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì. Hiện mới có 8/20 CCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải và 7/20 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 15 khu xử lý chất thải rắn đang hoạt động, trong đó, có 11/15 khu xử lý chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong năm 2018, xảy ra sự cố cháy tại bãi rác Quỳnh Lưu, Đông Vinh và vấn đề môi trường tại Khu liên hiệp xử lý chất thái rắn Nghi Yên. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, do không lựa chọn được vị trí bãi rác phù hợp, kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải còn hạn chế.

Bên cạnh đó, làng nghề cũng là một trong những nguồn xả thải nguy hại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Đến nay, trong tổng số 153 làng nghề của toàn tỉnh, thì có 6 làng nghề hoạt động yếu kém, 13 làng nghề dừng hoạt động và có tới 67 làng nghề có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề không được đầu tư, hoặc đầu tư nhưng chưa đủ các hạng mục đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoặc xuống cấp từ lâu... Do đó, hầu hết nước thải làng nghề chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn cho phép. Chất thải sản xuất từ các làng nghề chế biến thực phẩm phát sinh mùi không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Ngoài ra, nhóm các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường khác được xác định là các dự án khai thác khoáng sản (với 209 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực); các nhà máy thủy điện (với 13 dự án đưa vào vận hành, công suất phát điện đạt 780,5 MW); các trang trại chăn nuôi tập trung (hiện toàn tỉnh có 317 trang trại, trong đó 43 trang trại có quy mô lớn);  các cơ sở chế biến nông, lâm sản (13 cơ sở chế biến nông sản, chủ yếu sản xuất tinh bột sắn, đường và giấy); các cơ sở chế biến thủy, hải sản (trong số 25 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn, có 6 cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).

Đặc biệt, đến nay Nghệ An có 53 bệnh viện đang hoạt động nhưng mới chỉ có 47 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, 8 bệnh viện có lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại, còn lại các đơn vị khác dùng công nghệ hấp ướt hoặc hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng vận chuyển xử lý. Trong số đó, có 14 bệnh viện đang nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo cam kết của giám đốc các bệnh viện, đến cuối năm 2018, cơ bản sẽ hoàn thành, trừ 4 bệnh viện đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý, bao gồm Bệnh viện Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương và Tân Kỳ.

Trong năm 2018, Sở TN&MT và các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chủ trì và phối hợp với Bộ TN&MT, tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật. Cụ thể, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,7 tỉ đồng. Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ 179 vụ, 182 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính với số tiền 3,85 tỉ đồng.

Về cơ bản, trong năm không xảy ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tại các cơ sở như cháy bãi rác Đông Vinh, bãi rác Quỳnh Lưu; cá chết trên sông Hoàng Mai, Khu liên hiệp xử lý Nghi Yên ô nhiễm nước rác sau xử lý, khí thải và vấn đề tái định cư các hộ dân trong vùng ảnh hưởng.

 

Thiện Thành

Các tin khác