Kinh tế xã hội
Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu vùng biên
(Congannghean.vn)-Thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An vẫn còn diễn biến phức tạp. Để đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu qua biên giới, lực lượng chức năng đã phải căng mình ngày đêm.
Phòng An ninh Kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường bắt giữ lô hàng mỹ phẩm nhập lậu trị giá gần 1 tỉ đồng |
Buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp
Trong những năm gần đây, với việc mở ra nhiều cửa khẩu, lối mở qua biên giới với nước bạn Lào tại các huyện Thanh Chương, Kỳ Sơn và Quế Phong, cùng với đó là những chính sách “mở cửa” để đẩy mạnh giao thương và phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, vận chuyển hàng hóa…, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh, tạo thuận lợi cho thương mại biên giới Việt - Lào. Tuy vậy, mặt trái của chính sách này là tình trạng mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là tại các khu vực như: Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu Thanh Thủy, Cảng Cửa Lò và các cửa khẩu phụ, lối mở Cao Vều, Ta Đo, Mỹ Lý, Thông Thụ, Tam Hợp...
Ông Nguyễn Văn Thắng, Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An cho biết, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất trong cơ chế thị trường của nước ta hiện nay, một số đối tượng thường xuyên qua lại biên giới đã tìm cách ngụy trang để vận chuyển trái phép các loại hàng hóa qua khu vực này. Các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn khá tinh vi như: Vận chuyển bằng xe khách, xe tải, xe ôtô cá nhân và nhiều loại phương tiện khác nhau, thiết kế hầm bí mật trên xe, nguỵ trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hoá khác. Đối với tuyến biển và khu vực cảng quốc tế, những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép cũng có xu hướng tăng so với trước đó. Các mặt hàng trên tuyến này chủ yếu là khoáng sản, xăng, dầu, pháo nổ các loại…
Theo ông Thắng, những năm gần đây, mặc dù Nghệ An không còn là “điểm nóng” về tình trạng buôn lậu của cả nước nhưng với cơ chế thị trường và vị trí địa lý thuận lợi, vấn nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Trong những năm qua, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An cùng với các cơ quan chức năng khác đã quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tập trung đấu tranh mạnh vào các địa bàn bao gồm tuyến biên giới đất liền tại các cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ, các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới; tuyến biên giới trên biển tại các vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc; Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy và các cửa sông, cửa lạch chính.
Với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, QLTT, Kiểm lâm, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố… đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Căng mình chống hàng lậu
Số liệu từ Cục QLTT Nghệ An cho thấy, trong năm 2018, đơn vị đã kiểm tra 5.487 vụ việc, xử lý 4.792 vụ, với số tiền thu phạt hơn 15,1 tỉ đồng liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, phạt hành chính hơn 8,1 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 7,07 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xử lý buôn lậu, hàng cấm (321 vụ); gian lận thương mại (1.673 vụ); vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ (95 vụ); vi phạm các quy định trong kinh doanh (1.766 vụ) và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm 937 vụ.
Tiêu hủy hàng hóa nhập lậu bị phát hiện, thu giữ |
Hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử gia dụng, bách hóa tiêu dùng, gia cầm. Đặc biệt, Nghệ An là địa phương nằm trong diện được bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, từ sau khi thực thi chính sách này, tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm... lại diễn ra phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng manh động hơn, bố trí người cảnh giới, theo dõi sát lực lượng chức năng và khi bị kiểm tra, bắt giữ thì sẵn sàng chống trả.
Mặc dù số vụ việc kiểm tra nhiều, nhưng so với thực tế vi phạm thì vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngoài ra, địa bàn rộng, đường biên giới kéo dài hàng trăm km, với nhiều đường mòn, lối mở, đường tắt nên hoạt động buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ này quân số mỏng dẫn đến không đảm bảo lực lượng ứng trực khi phát sinh những vấn đề phức tạp về hoạt động vận chuyển, mua bán hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, Công an Nghệ An và Cục Hải quan tỉnh đã tổ chức ký quy chế phối hợp. Theo đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và Phòng Cảnh sát Môi trường, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã có sự phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, hằng năm, các đơn vị thuộc 2 lực lượng đã phối hợp trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý đối với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; gian lận thương mại, trốn thuế; mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy; mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc; nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phế thải hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và các hành vi khác vi phạm pháp luật có liên quan đến công tác hải quan.
Để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả trong những tháng cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Cục QLTT Nghệ An đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm và trong các dịp Tết Dương lịch 2019, Tết Kỷ Hợi. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, “đầu nậu” lớn.
|
Thiện Thành