Kinh tế xã hội
CPTPP thúc đẩy hoàn chỉnh thể chế kinh tế của Việt Nam
14:42, 28/01/2019 (GMT+7)
Ý kiến chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực cải cách vừa qua của Chính phủ và tin rằng trong 5 tới 10 năm tới, hệ thống thể chế kinh tế của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh, trong bối cảnh CPTPP đã chính thức có hiệu lực.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định điều này khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong kỷ nguyên CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn. Hình ảnh cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu sôi động tại cảng Hải Phòng. |
CPTPP tạo vị thế khá thuận lợi cho Việt Nam trong các quan hệ khác
Đã có rất nhiều phân tích, đánh giá từ nhiều phía khác nhau về CPTPP. Cá nhân bà đánh giá thế nào?
Năm 2009, Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán TPP với tư cách quan sát viên, sau đó quyết định đàm phán chính thức từ năm 2010 với những nỗ lực vô cùng to lớn, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP, Việt Nam càng chứng tỏ được sự cố gắng, tích cực của mình để có được CPTPP.
Tôi cho rằng việc tham gia đàm phán TPP và CPTPP là một trong những quyết định tốt nhất, đúng đắn, sáng suốt nhất của Việt Nam. Khi bắt đầu đàm phán TPP, chúng ta đã có hai năm là thành viên của WTO, nhưng chúng ta cũng hiểu đó chỉ là bước phát triển theo bề rộng để rồi từ nền tảng WTO với những nguyên tắc hết sức cơ bản, chúng ta có thể nâng tầm hội nhập cao hơn.
Ai cũng biết, một mong muốn lớn của chúng ta trong TPP là có thị trường Hoa Kỳ rộng mở với những nguyên tắc làm ăn lâu dài trên cơ sở bình đẳng hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả hai bên. Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ rút ra, những lợi ích đó tuy có phần bớt đi nhưng về cơ bản vẫn còn với các thành viên còn lại.
Đồng thời, khi Hoa Kỳ rút ra, các nước còn lại cũng bớt đi một số sức ép phải chấp nhận một số điều kiện khá khó của Hoa Kỳ. Như 22 điều kiện chưa thực hiện ngay trong CPTPP hầu hết đều liên quan tới sở hữu trí tuệ, tức là phần Hoa Kỳ đòi hỏi khắc nghiệt nhất, các nước khó chấp nhận nhất và phải nhượng bộ nhiều nhất.
Tuy nhiên, các nước cũng kỳ vọng về lâu dài Hoa Kỳ có thể tham gia trở lại vì lợi ích của chính họ và sẽ có các nền kinh tế khác tham gia CPTPP.
Là thành viên sáng lập CPTPP, Việt Nam có quyền chấp nhận hay không chấp nhận các nước khác tham gia. Các nước tham gia sau cũng không có quyền áp đặt quá nhiều các điều kiện mới của họ mà phải chấp nhận các điều kiện của Hiệp định. Do đó, CPTPP tạo thành một vị thế khá thuận lợi cho Việt Nam trong quan hệ thương mại tương lai với các đối tác quan trọng khác.
Bên cạnh đó, CPTPP và TPP trước đó đều là một kênh tạo thuận lợi rất lớn cho Việt Nam trong đàm phán FTA với EU. Việt Nam là nước thứ hai trong Đông Nam Á mà EU lựa chọn đàm phán FTA, sau khi họ đã có FTA với nước tiên tiến nhất khu vực là Singapore. Sau quá trình đàm phán không mấy khó khăn với Singapore, tôi được biết họ lúc đó đã có những lựa chọn khác, nhưng cuối cùng họ chọn Việt Nam. Một trong những lý do, theo tôi, là Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP. Chúng ta đã tận dụng được cơ hội từ TPP và CPTPP để thúc đẩy đàm phán với EU.
Với CPTPP và EVFTA, có thể nói các kênh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mở ra một cách rất cơ bản để tạo điều kiện Việt Nam thực hiện chiến lược lâu dài của mình là tăng trưởng bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, thúc đẩy năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và các ngành, các doanh nghiệp.
Cả hai Hiệp định này cũng đều chứa đựng những cam kết cao về cải cách thể chế kinh tế, vừa là động lực vừa là áp lực cho Việt Nam cải cách. Các cam kết này vượt trội hơn rất nhiều so với những cái chúng ta đang có, nhưng chúng hoàn toàn phù hợp với định hướng dài hạn của Việt Nam về đổi mới thể chế. Việt Nam đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó khâu đột phá số 1 là thể chế.
Thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều trong lĩnh vực này nhưng tất cả những cố gắng vẫn chưa đạt được những chuyển biến mạnh và triệt để như chúng ta mong muốn. Với các chuẩn rất cao trong các Hiệp định này, tôi tin rằng trong 5 năm và tối đa 10 năm tới, hệ thống thể chế kinh tế của Việt Nam sẽ là một hệ thống hoàn chỉnh như mục tiêu đã đề ra, để nền kinh tế có thể phát triển vững chắc và bao trùm.
Nền tảng nội lực và tư duy đều đã khác
Nhìn lại 12 năm Việt Nam là thành viên chính thức WTO, theo bà, đâu là những bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể áp dụng trong kỷ nguyên CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới?
Tham gia WTO cũng là một quyết định lớn của Việt Nam với một quá trình khá gian nan qua 12 năm đàm phán. Cái khó của chúng ta khi đó là mới tiến hành đổi mới được khoảng 10 năm, hệ thống kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ, hệ thống kế hoạch hóa tập trung vẫn tồn tại song song, WTO khó lòng chấp nhận nhiều quy định của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2002-2006, đẩy mạnh đàm phán WTO, Việt Nam đã tăng tốc trong việc sửa đổi và xây dựng các luật mới, mỗi năm khoảng 25-26 luật thay vì 5-6 luật như các năm trước đó. Quá trình này đều dựa trên các nguyên tắc WTO, tức là nội luật hóa các quy định của WTO. Đó cũng là giai đoạn mà Việt Nam vừa đạt được tăng trưởng GDP bình quân cao, lên tới trên 7%, vừa giữ được ổn định vĩ mô. Đó là nền tảng tốt để chúng ta vững tâm tham gia WTO, nhưng không may là ngay sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008.
Và dù cơ hội của chúng ta ở nhiều thị trường không được cao như kỳ vọng, nhưng ở một số thị trường thì cơ hội vẫn cực lớn.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng năm 2018 đã ghi nhận hàng loạt dấu ấn về các quyết sách của Chính phủ trong thúc đẩy công nghệ cao. |
Cũng nhờ có nền tảng WTO, chúng ta mới có Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2008, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU với EU vào năm 2010. Có thể nói, WTO đã tạo nền tảng để Việt Nam làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương và kể cả việc tham gia đàm phán TPP.
Tuy nhiên, nhìn lại thì có thể thấy, chúng ta vẫn chưa tận dụng được tốt nhất, chưa tận dụng được hết các cơ hội. Trước hết là cơ hội cải cách thể chế, chúng ta nội luật hóa rất nhiều các quy định của WTO, nhưng lại có những giai đoạn mà chính sách đi vào cuộc sống chưa đủ nhanh, chẳng hạn các quy định của WTO về doanh nghiệp nhà nước. Có thể thấy trong nhiều nguyên nhân dẫn tới những vấn đề của khối doanh nghiệp nhà nước, có nguyên nhân do có những giai đoạn chúng ta không thực hiện đầy đủ các quy định của WTO về lĩnh vực này.
Dù lợi ích chưa quá cao như kỳ vọng, nhưng những bài học từ WTO là hết sức có ý nghĩa cho giai đoạn hiện tại.
So với thời kỳ gia nhập WTO, tôi tin là nền tảng của chúng ta ngày nay đã tốt hơn, vững chắc hơn, kể cả về nội lực của nền kinh tế và cả tư duy về kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, về vai trò của doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Rồi nhận thức của chúng ta về khoa học và công nghệ, khi năm 2018 đã ghi nhận hàng loạt dấu ấn về các quyết sách của Chính phủ trong thúc đẩy công nghệ cao.
Có thể nói từ 2016 trở lại đây, các định hình chính sách ngày càng rõ, tạo nền tảng cho chúng ta phát triển trong giai đoạn mới.
Nỗ lực lớn và thành tựu đáng kể trong 3 năm qua
Có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chuẩn bị đủ kỹ lưỡng cho CPTPP, quan điểm của bà như thế nào?
Trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, đã có rất nhiều nỗ lực được dấy lên, trước hết là khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế, như doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đẩy mạnh cổ phần hóa… và có nhiều việc Chính phủ đã cương quyết hơn trong công tác này.
Hiện Chính phủ đã tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chứng tỏ chúng ta đã hiểu rõ hơn nên xử sự với doanh nghiệp nhà nước như thế nào trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng đã tuyên bố là Nhà nước không bán bia, bán sữa, đó là một thông điệp hoàn toàn đúng đắn, phù hợp kinh tế thị trường, để doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.
Gắn với đó là nỗ lực rất lớn về cải thiện môi trường kinh doanh, quá trình này ngày càng làm được nhiều việc hơn, sâu sát hơn với đời sống thực tế của doanh nghiệp. Cuộc tổng kết mới đây của VCCI về dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 đã ghi nhận các con số kỷ lục về các văn bản pháp quy được ban hành theo hướng cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Tôi nghĩ đây là cố gắng nổi trội của Chính phủ để giúp nền kinh tế tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp có khả năng sử dụng tốt nhất.
Đảng, Nhà nước cũng đã liên tục có nghị quyết, quyết định khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó là cách hành xử đúng và chắc chắn sẽ có kết quả tốt.
Năm 2018 cũng đánh dấu một cột mốc phát triển quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Có những doanh nghiệp từ bất động sản đã mở dần ra đa ngành theo năng lực của họ, đi vào công nghiệp, thậm chí công nghiệp ô tô – một ngành cạnh tranh rất lớn, hoặc đi vào phát triển công nghệ cao. Hoặc các doanh nghiệp tư nhân làm các công trình hạ tầng lớn với thời gian ngắn và số vốn rất khiêm tốn, điều đó chứng tỏ hiệu quả khu vực tư nhân và sự trưởng thành của họ, cũng như độ chín muồi của nền kinh tế.
Định hướng nữa là phát triển công nghệ. Ngay từ năm 2016, Chính phủ đã đưa ra định hướng quốc gia khởi nghiệp, với các chương trình chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc tái cơ cấu các ngành cũng dựa trên hướng đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ vào, như trong lĩnh vực nông nghiệp đã có cải thiện khá rõ nét nhờ hướng tiếp cận này. Như vậy, thay vì dựa vào quá nhiều vốn hay lao động giá rẻ, định hướng phát triển công nghệ đã cho ra những thành quả bước đầu và cho chúng ta niềm tin đây là hướng đi đúng. Có thể nói năm 2018 ghi nhận hàng loạt dấu ấn về các quyết sách của Chính phủ trong thúc đẩy công nghệ cao.
Tất nhiên đổi mới, phát triển công nghệ là quá trình gian nan lắm, nhiều nước đều muốn phát triển công nghệ nhưng có phải ai khát khao cũng làm được đâu? Còn nhiều việc phải làm lắm nhưng tôi tin chúng ta sẽ ngày càng làm tốt hơn, nhất là với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và lực lượng khoa học công nghệ của người Việt ở nước ngoài. Như trong năm ngoái, lần đầu tiên Chính phủ đã kêu gọi được 100 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là sự hưởng ứng của các đối tác quốc tế, như tôi được biết trong các chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng tới Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, đã có rất nhiều đề xuất đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cùng với đó là những nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã hết sức năng động trong các mối quan hệ quốc tế, nhờ đó vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng lên, mở ra giai đoạn hội nhập quốc tế cao hơn, sâu hơn, mang lại những thay đổi thực chất cho nền kinh tế Việt Nam cũng như những cơ hội mới cho Việt Nam phát triển.
Cuối cùng, phải kể đến những cố gắng thúc đẩy cải cách trên các lĩnh vực khác như cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải cách bộ máy và đặc biệt là cố gắng đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Cải cách thể chế và chống tham nhũng là rất quan trọng, hai việc đó gắn liền với nhau, tham nhũng chính là lực cản cải cách và muốn chống tham nhũng thì phải cải cách thể chế.
Theo tôi, đó là những thành tựu rất đáng kể của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Trong 3 năm của nhiệm kỳ 5 năm, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, tất nhiên không phải việc gì cũng vẹn tròn, nhưng tôi tin rằng những bài học kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta thành công trong cả nhiệm kỳ và chuẩn bị tốt cho giai đoạn mới, góp phần thực hiện mong muốn từ lâu của chúng ta là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu.
Nguồn: Hà Chính (Thực hiện)/Chinhphu.vn