Kinh tế xã hội

Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2019

10:06, 21/12/2018 (GMT+7)
Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng...
 
Sáng 20/12, tại Hà Nội, NFSC đã tổ chức Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018. Đây là hoạt động nhằm cung cấp thông tin và thảo luận, phân tích về bức tranh tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018.
Hội thảo do NFSC tổ chức tại Hà Nội ngày 20/12/2018 (Ảnh: HNV)
Hội thảo do NFSC tổ chức tại Hà Nội ngày 20/12/2018 (Ảnh: HNV)
Hội thảo có sự tham dự của trên 100 đại biểu đại diện cho các ban của Đảng, cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành; các tổ chức tài chính - kinh tế trong nước; các cơ quan nghiên cứu kinh tế - chính sách và đông đảo chuyên gia, học giả uy tín.
 
Tại Hội thảo, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch NFSC cho biết, năm 2018, kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý là dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức rất cao 3,7%. Hơn nữa, chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%. Cộng với việc giá dầu thô bình quân tăng trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%.
 
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ước đạt 6,9 - 7%, là mức cao nhất 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%.
 
Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra.
 
Song song, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.
 
Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020. Mặc dù xu hướng rút vốn diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện niềm tin của họ vào ổn định vĩ mô.
 
Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số các FTAs… Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.
 
Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo chủ yếu do căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài. Lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn năm 2017 do giá dầu bình quân tăng trên 30%.
 
Báo cáo cũng nhấn mạnh ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách 2019.
 
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam được triển khai từ năm 2013 và từ năm 2015, Báo cáo chính thức được đưa vào danh mục ấn phẩm định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi một số cơ quan thuộc Chính phủ.

Nguồn: Lê Anh/Dangcongsan.vn

Các tin khác