Kinh tế xã hội

Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt VPHC trong tiền tệ và ngân hàng

08:17, 21/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Sau gần 4 năm áp dụng Nghị định 96/2014/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện một số quy định về mức phạt không còn phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm.
 
Để khắc phục một số hạn chế, tồn tại, nhằm góp phần thực thi nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
 
Nguyên tắc xử phạt
 
Dự thảo bổ sung một số nguyên tắc xử phạt như sau: a- Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt một lần; tổ chức (kể cả mọi đơn vị trực thuộc của tổ chức) có hành vi vi phạm đều phải bị xử phạt hành chính; b- Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính là hậu quả của hành vi vi phạm hành chính khác thì người có thẩm quyền xem xét, xử phạt đối với hành vi vi phạm là nguyên nhân của vi phạm hành chính; c- Đối với những hành vi vi phạm tại Chương II Nghị định này (hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt tiền) quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, căn cứ vào giá trị vi phạm và có tình tiết giảm nhẹ, người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức phạt cảnh cáo.
 
Xử phạt vi phạm hành chính
 
Dự thảo cũng quy định, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tên tổ chức ghi trên các tài liệu, giấy tờ trong hoạt động không đúng tên tổ chức ghi trong giấy phép.
 
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo quy định.
 
Đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng: a- Thay đổi tên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. b- Tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 05 ngày làm việc, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng. c- Thành lập, khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.
 
Ngoài ra, phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
 
Đối với hành vi thay đổi mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
 
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác