Kinh tế xã hội

'Chìa khóa' để Việt Nam thành công xưởng mới

16:20, 20/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là câu chuyện được nhắc đến từ lâu, nhưng với sự kiện ngày 19/12, lần đầu tiên một hội nghị quy mô lớn do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì được tổ chức nhằm bàn rốt ráo các giải pháp thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực này.

Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh minh họa
Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh minh họa

Tại các diễn đàn gần đây, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được các doanh nghiệp đề cập như một khâu yếu để phát triển công nghiệp Việt Nam.

Bước đột phá trong phát triển công nghiệp

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế bền vững và không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thì việc phát triển ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế là nhiệm vụ cấp bách. Tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thông qua những chính sách phù hợp với các khu vực trọng điểm, đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam là việc làm rất cần thiết.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đầu tháng này, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, chìa khóa để đột phá trong phát triển công nghiệp là việc nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật sản xuất, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam và yếu tố nền tảng là xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp. Đặc biệt là phát triển công nghiệp hỗ trợ để hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong khu vực chế tạo của Việt Nam.

Trong khi đó, nhóm công tác ô tô và xe máy của Diễn đàn trên cho biết “hoàn toàn ủng hộ chủ trương hỗ trợ của Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”. Nhóm công tác này cho rằng cần triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó có các chính sách cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất trong nước.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy đây là nền tảng để công nghiệp hoá, các năm qua số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước và phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.

Trong khi đó, ông dẫn chứng, riêng quận Oita, một trong 23 quận của Tokyo (Nhật Bản) có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo, tỉnh Kanagawa có 60.000 đơn vị chế biến chế tạo, tương đương toàn bộ doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam (75.000 đơn vị tính đến cuối năm 2017).

Ngoài ra, theo ông, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhưng tham gia rất sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận định, tuy đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước như xuất khẩu nhưng để phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước thì Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng gần 45 tỷ USD. Nếu tính cả các ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may - da giày, kim ngạch nhập khẩu công nghiệp hỗ trợ năm 2016 lên tới 63 tỷ USD.

Bộ trưởng Công Thương cũng nhận định chính sách thu hút vốn FDI chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cần những doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt

Còn theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển.

“Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, khâu đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của doanh nghiệp chưa được chú trọng. Về thị trường, đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu. Trong lúc chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới.

Kết luận Hội nghị ngày 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành một công xưởng sản xuất, có thể của châu Á, của thế giới hay của ASEAN. Tinh thần là làm sao Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đi vào giải pháp cụ thể, cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, các bộ chức năng chủ trì nghiên cứu, đề xuất các trung tâm nghiên cứu phát triển này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Còn Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm. Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để có Nghị quyết của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các bộ liên quan trình Thủ tướng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhất là chính sách thuế, đất đai, tín dụng… Sau Hội nghị này, với sự hướng dẫn của Bộ Công Thương, một số địa phương cần có chương trình hành động để phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Nguồn: Hà Chính/Chinhphu.vn

Các tin khác