Kinh tế xã hội

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động gánh chịu

10:12, 07/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ mở rộng sản xuất kinh doanh đã góp phần thúc đẩy kinh tế của TP Vinh phát triển và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vấn đề chế độ, quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại một số DN trên địa bàn chưa được đảm bảo.

Người lao động tại Công ty cổ phần Cơ khí đóng tàu Nghệ An đang bị nợ BHXH, BHYT, BHTN
Người lao động tại Công ty cổ phần Cơ khí đóng tàu Nghệ An đang bị nợ BHXH, BHYT, BHTN

10 năm trước, để hướng tới xây dựng TP Vinh sớm trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, các đề án phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đã được chính quyền thành phố triển khai. Các cụm công nghiệp nhỏ như: Đông Vĩnh, Nghi Phú, Hưng Lộc đã được hoàn thiện để thu hút các DN đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, có một thực tế, công nhân lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Vinh chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề cơ bản. Trong đó, có không ít người vào làm việc tại các công xưởng, nhà máy sau khi gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Vì vậy, tư tưởng làm việc của số đông NLĐ chưa ổn định, ý thức tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn chưa được họ coi trọng.

“Mức lương của công nhân chỉ từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, đóng bảo hiểm mất hơn 1 triệu đồng thì chúng tôi không còn tiền trang trải cuộc sống nữa. Mặt khác, phải đóng BHXH 25 năm nên thật sự chúng tôi không muốn tham gia”, chị Lê Thị Điểm, công nhân Công ty TNHH Đức Phong bày tỏ.

Tại các DN có tính đặc thù của ngành, nghề sản xuất, kinh doanh hoặc làm việc theo dây chuyền sản xuất công nghiệp thì số lượng công nhân lao động ít hơn; còn các DN sản xuất mang tính đơn thuần, thủ công thì số lượng công nhân lao động lại đông hơn. Tuy nhiên, do tính chất công việc, một số DN vin vào lý do NLĐ chưa qua đào tạo nghề nên khi vào làm việc lại được DN liệt kê vào danh sách lao động thời vụ. Cá biệt, có DN thỏa thuận ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng và dưới 1 tháng từ 2 lần trở lên đối với 1 NLĐ để lách luật, trốn đóng BHXH, BHYT, mặc dù trên thực tế NLĐ vẫn làm việc ổn định thường xuyên cho DN nhiều năm liền.

Phải khẳng định rằng, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN muốn tồn tại và phát triển phải quan tâm chăm lo đời sống của NLĐ, giúp họ ổn định về tư tưởng thì phong trào thi đua sản xuất mới mang lại hiệu quả cao và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mới có tính bền vững, ổn định. Và trên thực tế, không ít DN đã kịp thời ban hành các chính sách khen thưởng để khuyến khích NLĐ có nhiều sáng kiến trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT và chế độ thai sản kịp thời nên NLĐ có ý thức gắn bó với công việc một cách lâu dài.

Theo số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây, số lượng NLĐ được tham gia các chế độ BHXH, BHYT cũng tăng cao. Hiện nay, TP Vinh có hàng chục nghìn NLĐ đang làm việc trong các DN sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 51.000 NLĐ đã được tham gia các chế độ BHXH, BHYT, tăng gần 6.000 người so với cùng kỳ năm 2015. Tại một số DN, 100% NLĐ được tham gia chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tại nhiều DN tư nhân, mặc dù NLĐ đã được tham gia các chế độ BHXH, BHYT nhưng DN lại không hoàn thành nhiệm vụ đóng bảo hiểm cho NLĐ đang là vấn đề cần bàn. Nhiều DN chây ì hoặc trốn tránh việc đóng BHXH cho NLĐ dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài. Và như vậy, DN đã đưa NLĐ vào thế mất tiền nhưng không hoàn thành việc đóng BHXH. Nếu chuyển công tác, khám, chữa bệnh hoặc làm thủ tục nghỉ hưu thì NLĐ sẽ không được BHXH xác nhận và giải quyết hồ sơ phần chưa nộp tiền BHXH.

Tại Công ty TNHH XNK may Lan Anh, có 58 lao động đã được tham gia BHXH nhưng trên thực tế, việc đóng BHXH, BHYT và thực hiện các mức chi trả chế độ cho NLĐ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác lập biểu mẫu chi trả tiền lương chưa đúng quy định. Theo bảng lương hiện tại, công ty đang trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định. Số nợ đọng BHXH của công ty từ tháng 6/2017 đến nay lên đến 545 triệu đồng, trong đó đáng chú ý là công ty đã thu số tiền đóng BHXH 10,5% của NLĐ nhưng vẫn chưa nộp cho cơ quan BHXH. Việc đôn đốc công nhân chấp hành các quy định về sử dụng bảo hộ lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Trần Đức Long, Giám đốc Công ty TNHH XNK may Lan Anh cho rằng: “Vấn đề nợ BHXH là do DN còn khó khăn. Hiện, chúng tôi đang nặng về huy động vốn và phải vay nợ ngân hàng để lấy vốn đầu tư. Mặt khác, do đầu ra sản phẩm không ổn định, doanh thu chưa đạt như mong muốn nên DN chưa có tiền nộp BHXH”?!

BHXH TP Vinh kiểm tra hồ sơ Công ty TNHH XNK may Lan Anh nợ BHXH
BHXH TP Vinh kiểm tra hồ sơ Công ty TNHH XNK may Lan Anh nợ BHXH

Tương tự, tại Công ty cổ phần Cơ khí đóng tàu Nghệ An, với 60 cán bộ, công nhân viên, NLĐ, trong đó có 54 lao động đang trực tiếp đóng BHXH tại công ty. Bình quân mỗi tháng, số tiền mà công ty phải nộp BHXH cho NLĐ là hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, NLĐ mới được nhận lương đến tháng 6. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số tiền nợ đọng BHXH của công ty đã lên đến 286 triệu đồng.

Việc nợ đọng BHXH có nhiều nguyên nhân nhưng không ít DN tìm cách lách luật để giảm số tiền đóng BHXH như: Trả lương cho NLĐ chậm, không thực hiện thang bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mà lập bảng lương chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng, thấp hơn thực nhận nhiều lần. Thậm chí, có DN còn chia nhỏ các khoản thu nhập thành các hình thức lĩnh thưởng, các khoản phụ cấp.

Ông Trần Hồ Vinh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Cơ khí đóng tàu Nghệ An phân trần: “Mặc dù công ty đã trích thu số tiền 10,5% của NLĐ để nộp BHXH nhưng từ đầu năm đến nay, công ty ít việc làm trong khi mức bảo hiểm tăng, khách hàng lại đang nợ nhiều nên công ty chưa có nguồn để đóng BHXH cho NLĐ. 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thấp nên đã tháng 8 nhưng chúng tôi mới chỉ trả lương đến tháng 6, chưa có lương tháng 7”?!

Theo số liệu, đến hết tháng 7 năm 2018, số đơn vị, DN trên địa bàn TP Vinh do BHXH thành phố quản lý đang nợ BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng. Trong đó có 1.377 DN, đơn vị nợ đọng với số tiền nợ hơn 3 tỉ đồng; 1.322 DN, đơn vị nợ kéo dài với số tiền nợ hơn 64 tỉ đồng. Đặc biệt, trong đó đáng chú ý là có 297 DN được liệt kê vào danh sách nợ khó thu với số tiền nợ gần 20 tỉ đồng. Tổng số lao động đang bị các đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến gần 40 nghìn người.

Ông Lê Thanh Cảnh, Phó Giám đốc BHXH TP Vinh cho biết: “Để tăng cường công tác truy thu nợ đọng, BHXH TP Vinh đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập Đoàn liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra và lập biên bản xử lý các DN vi phạm. Qua thanh, kiểm tra, BHXH TP Vinh phát hiện một số đơn vị chưa ý thức được việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, BHXH thành phố đã tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH và thực hiện Thông báo C12 đến từng đơn vị để yêu cầu đóng BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm tai nạn lao động theo đúng quy định của luật”.

Trước thực trạng không ít DN nợ đọng BHXH, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của NLĐ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để các DN thực hiện tốt Luật BHXH. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng liên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những DN chây ì, cố tình nợ tiền BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ.

TP Vinh đang từng bước xây dựng và phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cho NLĐ, DN cần chăm lo đời sống của đội ngũ công nhân. Bởi, việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo quyền lợi của NLĐ chính là tiền đề quyết định sự sống còn của DN. Đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của thành phố ngày càng phát triển ổn định, mang tính bền vững.

Hồng Quang

Các tin khác