(Congannghean.vn)-Các tháng cuối năm, diễn biến thị trường sẽ rất khó lường. Vì thế, cần chủ động và kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gây tăng giá bất hợp lý.
Dự báo chỉ số giá những tháng cuối năm tiềm ẩn dấu hiệu tăng cao |
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất so với cả nước, dân số đông, có nhiều đơn vị hành chính; số lượng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn lớn nhưng chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ; ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có các trung tâm thương mại. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh còn thấp, khi bị kiểm tra thì trốn tránh, đối phó, tìm mọi thủ đoạn vô hiệu hóa hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xác định rõ những khó khăn đó, các ngành, các địa phương đã khá chủ động trong công tác bình ổn, đảm bảo thị trường ổn định.
Trong 9 tháng năm 2018, tình hình thị trường Nghệ An tương đối ổn định. Vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thị trường hàng hóa rất sôi động, đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp, siêu thị, đại lý, cửa hàng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu để giảm tồn kho, tăng doanh số bán hàng. Vào dịp mùa nắng nóng, nhu cầu mua sắm đối với các hàng hóa, dịch vụ như: Bia, đồ uống giải khát, đồ điện gia dụng phục vụ mùa hè, điện, nước sinh hoạt, giải trí, du lịch tăng cao, nhưng sau đó có xu hướng giảm khi bước sang mùa mưa bão. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng 8 lần và giảm 5 lần do ảnh hưởng từ sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không có nhiều biến động phức tạp.
Cũng trong thời gian trên, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tương đối sát với dự báo và kịch bản điều hành giá do Ban chỉ đạo điều hành giá đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới, giá gạo tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; giá gas liên tục tăng trong 2 tháng theo diễn biến giá thế giới. Nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra, thời gian qua, các cấp, ngành đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt công tác quản lý, điều hành giá nhằm bình ổn giá cả thị trường.
Trên cơ sở dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá trong các giai đoạn ngắn hạn cũng như trong cả năm 2018, đặc biệt với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của Bộ Tài chính, các ngành đã vào cuộc chủ động, quyết liệt. Khi giá cả thị trường có biến động bất thường, đã chủ động tham mưu có phương án ổn định thị trường; chủ trì cùng các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo đúng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; kiểm soát chặt chẽ chi phí đối với giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hàng hóa dịch vụ được trợ giá, trợ cước để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp.
Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND Tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, các ngành chức năng đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều biện pháp, kế hoạch công tác, thu được nhiều kết quả tốt; góp phần hạn chế tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm ATVSTP và các hành vi kinh doanh trái phép khác; giữ vững ổn định thị trường, bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian qua, đã thực hiện kiểm tra 4.364 vụ, có 3.834 vụ bị xử lý, xử phạt hành chính hơn 6,4 tỉ đồng. Trong đó, vi phạm về gian lận thương mại 1.302 vụ, tổng giá trị thu phạt 1.604.669.000 đồng. Trong đó, phạt hành chính 1.180.445.000 đồng, trị giá hàng tiêu hủy 424.224.000 đồng; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 78 vụ, tổng giá trị thu phạt đạt 1.093.507.000 đồng. Đã xử phạt hành chính 331.250.000 đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy 762.257.000 đồng; vi phạm các quy định trong kinh doanh 1.478 vụ, tổng giá trị thu phạt đạt 3.196.007.000 đồng.
Diễn biến chỉ số giá các tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn các dấu hiệu tăng cao, do đó, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần được thực hiện một cách thận trọng, chủ động. Các ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong thực hiện chủ trương của Chính phủ đối với công tác kiểm soát lạm phát.
Tại Nghệ An, dự báo sẽ chứng kiến nhiều biến động so với thời điểm đầu năm; giá các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh như xăng, dầu, vật liệu xây dựng có những thay đổi khó lường kéo theo xu hướng biến động về giá cả nhiều mặt hàng. Đây cũng là thời điểm mùa mưa bão, dự báo có thể xảy ra các thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
Vào những tháng cuối năm chuẩn bị cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bia, rượu, bánh kẹo, quần áo, giày dép có khả năng tăng cao, tạo cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh phi pháp tuồn hàng vào tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại, ATVSTP trên địa bàn dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Vì thế, cơ quan quản lý giá sẽ kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.