Kinh tế xã hội

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Đáp ứng yêu cầu phát triển

10:01, 03/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực tiễn cho thấy, đó chính là điều kiện tiên quyết để tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, tạo động lực thúc đẩy KT-XH ngày càng phát triển.

Nâng cao tính chiến đấu, chất lượng đảng viên là yêu cầu quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (Trong ảnh: TX Thái Hòa quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII cho đội ngũ cán bộ cốt cán)
Nâng cao tính chiến đấu, chất lượng đảng viên là yêu cầu quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (Trong ảnh: TX Thái Hòa quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII cho đội ngũ cán bộ cốt cán)

Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ và đoàn thể chính trị - xã hội của các tổ chức cơ sở Đảng ngày càng được nâng cao; công tác xây dựng tổ chức Đảng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy, có 272 quần chúng ở các khối, xóm, bản thuộc phạm vi thực hiện Đề án được tham gia lớp Cảm tình Đảng, trong đó có 79 quần chúng được kết nạp Đảng (12 đảng viên là người Công giáo); 103 quần chúng đang làm hồ sơ; có 8 xóm đã thành lập chi bộ độc lập, 31 xóm thoát khỏi nguy cơ không còn chi bộ. Tính đến thời điểm này, Nghệ An còn 25 khối, xóm, bản chưa có chi bộ.

Bên cạnh những kết quả nói trên, tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng một số đảng viên nghỉ hưu nhưng không sinh hoạt Đảng. Công tác quản lý đảng viên thuộc diện làm ăn xa, nhất là đi xuất khẩu lao động cũng cần cơ chế phù hợp do nhiều trường hợp buộc phải xóa tên đảng viên vì không sinh hoạt Đảng 3 kỳ liên tiếp, trong khi nhiều đảng viên vẫn có nguyện vọng và tha thiết với tổ chức. Cùng với đó, công tác phát triển Đảng trong khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng liên quan đến công tác xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã giảm 6.666 biên chế; trong đó, công chức giảm 184 người, viên chức giảm 6.459 người; đạt gần 8,1%. Với kết quả trên, Nghệ An được Trung ương đánh giá là địa phương đứng top đầu trong thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế.

Cùng với đó, đã giảm 3 chi cục và 11 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành; 21 đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, văn hóa, tư pháp đã chuyển sang tự chủ, đảm bảo chi thường xuyên. Một số sở, ngành cũng không bố trí tối đa số phòng chuyên môn theo quy định của Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII, Tỉnh uỷ đã ban hành Đề án 09; trong đó 12 đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm đã triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6; 21/21 đơn vị cấp huyện đã xây dựng dự thảo đề án sắp xếp bộ máy trình Ban chỉ đạo, Ban chấp hành và Ban thường vụ cấp uỷ cho ý kiến. Trong đó có nội dung cần làm ngay đã được cấp uỷ các đơn vị triển khai thực hiện như 17/21 đơn vị đã thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, thực hiện mô hình 1 văn phòng chung cho cấp xã.

Với 480 xã, phường, thị trấn, Nghệ An hiện có số cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở cấp xã là gần 12.000 người. Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, các huyện, thành, thị tiến hành lấy ý kiến khảo sát và trên cơ sở đặc điểm, tình hình của từng phường, xã, thị trấn để giảm bớt số lượng biên chế công chức và cán bộ không chuyên trách đảm bảo phù hợp. Mục tiêu đề ra là năm 2021, cả tỉnh giảm tối thiểu bình quân 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.

Theo đó, năm 2018, tỉnh cũng tạm dừng việc tuyển dụng công chức cấp xã để tổ chức, sắp xếp lại; đồng thời chấm dứt sử dụng lao động hợp đồng để làm công việc chuyên môn nghiệp vụ có tính chất thường xuyên trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị cũng đã và đang thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại cơ cấu công chức, viên chức theo hướng vị trí chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỉ lệ cao, ít nhất là 60% đối với công chức và 65% đối với viên chức.

Cũng là một nội dung quan trọng trong công tác tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 153 lượt cán bộ được luân chuyển. Riêng cấp tỉnh, đã bố trí, điều động, luân chuyển từ tỉnh về huyện 19 đồng chí; từ huyện về các ban, ngành cấp tỉnh 23 đồng chí; từ ngành này sang ngành khác ở cấp tỉnh 18 đồng chí. Mặc dù có nhiều cố gắng song công tác bố trí điều động, luân chuyển theo tinh thần Nghị quyết 02 vẫn còn nhiều điểm vướng, trong đó khâu bố trí sau luân chuyển còn gặp khó khăn.

Song song với thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác phát triển đảng viên cũng được các cơ quan, ban, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 12.630 đảng viên; có 1.597 tổ chức cơ sở Đảng (tính đến tháng 5/2018). Đáng chú ý, qua 4 năm thực hiện Đề án 5155 về phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh đã kết nạp 625 quần chúng vào Đảng, thành lập 29 tổ chức Đảng trong các DN tư nhân và DN FDI. Tuy nhiên, so với hơn 11.000 DN đang hoạt động trên địa bàn (DN tư nhân, DN FDI chiếm 99,7%) thì số lượng đảng viên và tổ chức Đảng nói trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên không chỉ tại các xóm, bản vùng đặc thù, vùng giáo mà tại các xóm, khối vùng nông thôn, thành thị, các DN cổ phần cũng còn nhiều khó khăn. Về công tác tổ chức cán bộ, việc bố trí cán bộ trở về sau luân chuyển cũng như việc bố trí chức vụ tương đương sau khi đi cơ sở về là rất khó, trong khi đó biên chế lại không được bố trí thêm... Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số đảng viên có chức vụ có biểu hiện giảm sút ý chí phấn đấu như tính chủ động, quyết tâm trong công việc chưa cao và có biểu hiện hành chính quan liêu, nhũng nhiễu.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, thực tiễn cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ như cần nâng cao vai trò của cấp uỷ trong việc tạo không khí, động viên các đảng viên làm việc hăng say; có giải pháp tạo sự chuyển biến trong sinh hoạt chi bộ; nâng cao tính sâu sát trong công tác quản lý cán bộ đảng viên… Đồng chí cũng nêu rõ thực trạng, việc đánh giá cán bộ đảng viên hàng năm đang có biểu hiện hình thức, bởi bản đánh giá có sự trùng lặp qua các năm. Từ những vấn đề nói trên, một trong những yêu cầu đặt ra cần quan tâm thực hiện tốt là công tác tuyển dụng cán bộ phải chất lượng và công bằng; công tác quy hoạch cán bộ cần thực hiện bài bản và hàng năm phải có rà soát, điều chỉnh, bổ sung, giám sát thực hiện. Việc bổ nhiệm cán bộ, bên cạnh việc rà soát, đề xuất của tỉnh, cơ sở cũng cần phải tiến hành rà soát; phải căn cứ thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, cơ cấu đã được quy định và thực hiện một cách minh bạch, dân chủ.

Có thể nói, những kết quả đạt được qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã tạo được dư luận tốt trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và cơ bản đáp ứng được kỳ vọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương cũng cần quan tâm giải quyết tốt những yêu cầu, nhiệm vụ mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đề cập, để những kết quả nói trên ngày càng toàn diện và bền vững.

Thùy Dương

Các tin khác