Kinh tế xã hội

Cần sớm khắc phục bất cập trong giao đất lâm nghiệp

14:51, 31/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác giao đất lâm nghiệp cho người dân sử dụng đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, song quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập. Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp; gây tác động xấu đến mục tiêu bảo vệ, sử dụng tối đa lợi thế của rừng cũng như sinh kế bền vững của người dân.

Cần giải pháp chấm dứt tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng được giao đất
Cần giải pháp chấm dứt tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng được giao đất

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến thời điểm hiện nay, UBND các cấp đã tổ chức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích 139.579,57 ha. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 122.894,88 ha. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 203.521,24 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao; trong đó, rừng tự nhiên 194.583,08 ha và rừng trồng 8.938,16 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp, gồm 5 công ty lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp, với tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng 59.385,4 ha, chiếm tỉ lệ 4,80% tổng diện tích đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh. Có 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất lâm nghiệp để thực hiện dự án với tổng diện tích 6.144,9 ha; chiếm tỉ lệ 0,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh.

Theo kế hoạch, hiện nay, các công ty cơ bản đang tiến hành việc trồng rừng và triển khai các hạng mục khác của dự án trên diện tích được thuê. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp 1 công ty từ năm 2011 đến nay không thực hiện và 2 công ty TNHH bị người dân lấn chiếm một phần đất để trồng rừng. Ngoài ra, các ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số diện tích đất rừng sản xuất đan xen trong các khu rừng; song diện tích rừng sản xuất này đến nay vẫn chưa tiến hành công tác giao rừng, cho thuê rừng.

Cũng trong thời gian qua, công tác giao đất lâm nghiệp cho người dân vẫn còn bộc lộ hạn chế, bất cập. Đơn cử như tại huyện Kỳ Sơn, một số diện tích đã giao đất, cấp GCNQSDĐ nhưng do người dân được giao đất không xác định được ranh giới ngoài thực địa nên dẫn đến tình trạng tranh chấp, không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ cho người dân. Việc giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ nhưng chưa gắn với giao rừng, cho thuê rừng đã dẫn đến tình trạng rừng vẫn chưa có chủ quản lý. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chặt phá, khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây suy thoái tài nguyên rừng xảy ra tại một số địa phương.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT, khó khăn hiện nay là chưa chủ động được nguồn kinh phí cho hoạt động giao rừng, cho thuê rừng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ, ranh giới địa chính không rõ ràng; đặc biệt là tình trạng tranh chấp đất rừng, nhiều quy hoạch chồng chéo khó giải quyết… Những hạn chế và bất cập nói trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp để áp dụng trên phạm vi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch là rừng sản xuất, bao gồm đất có rừng tự nhiên và đất có rừng trồng bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh. Theo tính toán, nguồn kinh phí thực hiện đề án là hơn 292 tỉ đồng, phấn đấu đến năm 2021 hoàn thành giao rừng, cho thuê rừng đối với 101.678/343.100 ha.

Theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh, để đảm bảo rừng có chủ, việc ban hành đề án là rất cần thiết, cần sớm được thông qua. Tuy nhiên, cần thực hiện chính xác, đảm bảo tính khả thi các vấn đề liên quan như: đơn giá, diện tích, nguồn kinh phí... Đồng thời, thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục do pháp luật quy định về giao rừng, cho thuê rừng; trong đó chú trọng giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, đảm bảo công bằng, minh bạch và công khai dân chủ, có sự tham gia của người dân.

Liên quan đến tình trạng rừng tự nhiên bị xâm hại, đầu tháng 10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4558/QĐ-UBND chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trên toàn địa bàn. Cho đến thời điểm hiện tại, theo điều tra, xác minh của Sở NN&PTNT, tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh với tính chất và diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau như vay mượn, cầm cố, thế chấp, bán trao tay, thất lạc... Theo số liệu tổng hợp, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị mua bán, chuyển nhượng trái phép khoảng 10.038 ha, tập trung nhiều tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông và Anh Sơn.

Trong đó, đáng lưu ý là tại huyện Quỳ Châu, tình trạng trên tồn tại trong một thời gian dài song chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc khi họ chỉ nhận đất trên giấy, không thể tiếp cận với đất để sản xuất. Theo đó, từ năm 2007, qua công tác thanh, kiểm tra, UBND tỉnh đã làm rõ tại địa bàn xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu có 8 trường hợp được giao đất lâm nghiệp không đúng đối tượng, phải thực hiện thu hồi đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, đã 11 năm trôi qua nhưng vẫn còn diện tích đất đã giao cho 6 trường hợp chưa được thu hồi. Vấn đề tồn đọng từ nhiều năm nay được nhiều người dân trên địa bàn phản ánh, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Quỳ Châu của các đại biểu Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Trước thực tế trên, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân nằm trong diện được giao đất có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành sản xuất là rất cần thiết; đồng thời có giải pháp quyết liệt để buộc những đối tượng được giao đất sai phải trả lại đất cho chính quyền. Có như vậy, quyền lợi của người dân được giao đất mới không bị xâm phạm; mục tiêu bảo vệ, sử dụng tối đa lợi thế của rừng gắn với đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân mới được giữ vững.

Thùy Dương

Các tin khác