Kinh tế xã hội

Đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp

09:42, 08/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thiếu đội ngũ cán bộ có tay nghề và kinh nghiệm quản lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kém hiệu quả. Trước thực tế trên, ngày 8/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2308 phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, với kỳ vọng hỗ trợ các HTX trong chuyển giao khoa học - công nghệ, kỹ thuật cho các thành viên HTX; qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX.

Tham quan, khảo sát mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn
Tham quan, khảo sát mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn

Hiện, Nghệ An có 470 HTX, trong đó chỉ có 178 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 37,9%. Tổng số cán bộ quản lý HTX là hơn 2.000 người nhưng chỉ có 700 người có trình độ ĐH, CĐ; 435 người không có bằng cấp. Riêng về các HTX nông nghiệp, số cán bộ HTX chưa được đào tạo bài bản, tuổi tác cao dẫn tới việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và kiến thức quản lý hạn chế còn chiếm đa số. Bởi vậy, kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp ĐH, CĐ về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 của UBND tỉnh được đánh giá là sẽ góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hình thành diện mạo nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại.

Được biết, việc đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp ĐH, CĐ về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp nhằm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý điều hành HTX, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; mở rộng các hoạt động dịch vụ, mở rộng liên doanh, liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình thành viên. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; xây dựng nguồn cán bộ quản lý, điều hành có chuyên môn kỹ thuật cho các HTX nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương trên, UBND tỉnh đã lựa chọn 7 HTX nông nghiệp của các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn và TX Thái Hòa tổ chức thí điểm thực hiện mô hình này. Theo đó, các HTX tham gia thí điểm thu hút cán bộ trẻ về làm việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Tổ chức và hoạt động theo Luật HTX năm 2012; hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, ưu tiên các HTX sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp hoặc tham gia trong chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn, chất lượng cao hoặc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hoặc xuất khẩu; áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao hoặc các tiêu chuẩn, quy chế để sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các HTX phải có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, có nhu cầu hỗ trợ về lao động có trình độ CĐ trở lên để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh của HTX; có phương án sử dụng lao động, có văn bản đề nghị được hỗ trợ, ký hợp đồng và phối hợp với người lao động thực hiện các khoản trích nộp theo quy định của pháp luật hiện hành, ưu tiên các HTX có trả thù lao bổ sung cho cán bộ.

Về phía cán bộ được thu hút vào làm việc tại các HTX nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 2.760.000 đồng/tháng, tương đương hơn 99 triệu đồng/3 năm thực hiện Chương trình. Tổng kinh phí để hỗ trợ cho 7 lao động này là gần 700 triệu đồng, được trích từ nguồn Chương trình mục tiêu xây dựng NTM hàng năm. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích, ưu tiên các HTX trả thù lao bổ sung cho số cán bộ này.

Thực hiện chủ trương trên, Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2020 thu hút từ 40 - 45% người lao động ở nông thôn tham gia vào khu vực HTX; nâng tỉ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt từ 70 - 75% trở lên. Đến năm 2020, có 80% số xã có ít nhất 1 HTX hoạt động có hiệu quả theo tiêu chí NTM, 100% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ HTX được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế HTX.

Để chủ trương đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, quá trình triển khai cần xây dựng kế hoạch bài bản, từ xây dựng phương án đến lựa chọn cán bộ có tâm huyết, năng lực. Cùng với đó, quá trình thực hiện phải được kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đảm bảo minh bạch, sâu sát. Có như vậy mới tạo được sức lan tỏa, nhân rộng và tiến tới sự đổi thay về chất cho khu vực kinh tế tập thể của tỉnh nhà.

Hồng Hạnh

Các tin khác