(Congannghean.vn)-Xây dựng miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) lâu dài của tỉnh Nghệ An. Xác định rõ vai trò quan trọng đó, suốt thời gian qua, các cấp chính quyền đã kiên trì thực hiện các chính sách, nội dung để phát huy tiềm năng của vùng kinh tế đặc biệt này.
Những giá trị văn hóa đặc sắc là thế mạnh của các địa phương miền Tây Nghệ An |
Với mục tiêu phát huy thế mạnh của miền Tây xứ Nghệ, Chính phủ và tỉnh Nghệ An đã ban hành các quyết định phê duyệt các Đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An, trong đó đáng chú ý là Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An tính đến năm 2020”.
Mục tiêu tổng quát của Quyết định số 2355 được xác định là “Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế miền Tây tỉnh Nghệ An cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và đảm bảo QP-AN; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; gắn phát triển KT-XH với bảo vệ môi trường, đảm bảo QP-AN và ổn định chính trị…”.
Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 2355, đến nay, miền Tây Nghệ An đã có diện mạo mới, vai trò và vị thể mới đối với tỉnh Nghệ An. Quy mô và tiềm lực kinh tế của vùng miền Tây có bước phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng khá, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh. Triển khai thực hiện các Đề án của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, bước đầu miền Tây Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả. Cơ cấu công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 17% và thay đổi theo hướng tăng trưởng các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp công nghệ cao; khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; dự báo có 4/27 chỉ tiêu quan trọng trong Quyết định số 2355 khó đạt mục tiêu đề ra. Theo đánh giá chung, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, chưa tạo sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Kết cấu hạ tầng còn nhiều tồn tại, nhiều dự án chậm triển khai so với yêu cầu.
Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp được xem là ngành chủ lực của miền Tây Nghệ An. Vùng có quỹ đất rộng với mật độ dân cư thưa thớt, miền Tây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Nghệ An, chiếm 58,7% diện tích sản xuất nông nghiệp và đóng góp 44,4% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Hàng loạt chính sách để “đánh thức” tiềm năng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp tại miền Tây đã bắt đầu có hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng các chuỗi giá trị các nông sản chủ lực tại miền Tây Nghệ An vẫn còn mờ nhạt. Hầu hết sản phẩm vẫn được thu gom, vận chuyển, phân phối và thương mại bởi các thương lái. Trong khi phần lớn hộ nông dân vẫn đang áp dụng các mô hình sản xuất cũ, hộ nông dân đơn lẻ vẫn là đơn vị sản xuất chính.
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành tâm huyết cũng đã được phân tích, mổ xẻ, với mục tiêu quan trọng nhất là đánh thức tiềm năng của lợi thế vùng. Trong đó, cần thực hiện có hiệu quả về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lợi thế để nỗ lực vươn lên, tập trung nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm là thế mạnh của vùng miền Tây. Cần có cơ chế, chính sách tập trung đầu tư để phát triển khu vực trọng điểm nhằm tạo động lực lôi kéo, lan tỏa cho toàn vùng.
Trên cơ sở gắn tổ chức đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thế phát triển KT-XH tỉnh Nghệ An đến năm 2020, các địa phương miền Tây phối, kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp, thực chất hơn. Đồng thời, để có một chương trình phát triển cho miền Tây Nghệ An trong giai đoạn tới, cần đặt miền Tây Nghệ An trong tổng thể phát triển của tỉnh, khu vực và quốc gia, trong điều kiện, bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0; xác định nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, gắn với chế biến là động lực phát triển cơ bản của miền Tây Nghệ An.