Kinh tế xã hội

Hiệu quả đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

14:03, 24/06/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Qua 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Lao động làng nghề cần nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất (Trong ảnh:  Làng nghề mộc tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương - ảnh: Hồng Anh)
Lao động làng nghề cần nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất (Trong ảnh: Làng nghề mộc tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương - ảnh: Hồng Anh)

Trong 2 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 106.798 lao động nông thôn. Thực hiện chủ trương của tỉnh, chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề được mở rộng đến các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, các doanh nghiệp, làng nghề... Đơn cử như: Trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp,  chuyên đào tạo 5 nhóm ngành nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, dâu tằm tơ, mộc mỹ nghệ; Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) đào tạo các nhóm nghề chế biến nông sản, thực phẩm, trồng nấm, thủy hải sản, nghề chổi đót, hương, nón, chiếu… Trong đó, việc đào tạo một số nghề tiểu thủ công nghiệp đạt kết quả cao như: May công nghiệp, mộc mỹ nghệ, cơ khí, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, dệt thổ cẩm…

Những kết quả đạt được đã góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của cả tỉnh từ 48% (năm 2015) lên 53,1% (năm 2017). Đặc biệt, UBND các huyện, thành, thị, các trung tâm dạy nghề huyện, thị xã và các tổ chức đoàn thể là những đơn vị điển hình, với việc đào tạo được 4.710/3.550 chỉ tiêu sơ cấp nghề (đạt 132,67% so với kế hoạch), gồm các nghề: Sửa chữa xe máy, chế biến nông sản, thực phẩm, mây tre đan, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, sản xuất chổi đót, hương, nón, cây trồng sinh vật cảnh, nghiệp vụ thương mại, du lịch... Góp phần quan trọng vào kết quả của quá trình thực hiện Đề án là các doanh nghiệp dạy nghề, xã hội hóa đào tạo được 1.425 chỉ tiêu sơ cấp nghề, tập trung chủ yếu tại các địa phương như nghề mộc ở Quỳnh Lưu, sản xuất nước mắm ở Diễn Châu, sản xuất hương ở Yên Thành, Quỳ Châu, mây tre đan ở Con Cuông, cơ khí rèn ở Kỳ Sơn...

Liên quan đến hoạt động của các làng nghề, toàn tỉnh đã xây dựng được thêm 14 làng nghề, đưa tổng số làng nghề đạt 153 làng nghề, với giá trị sản xuất 154,178 tỉ đồng; đồng thời, tạo việc làm cho 5.688 lao động, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Trong 2 năm thực hiện Đề án, đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho 1.138 người; có 45 giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các nước Malaysia, Australia, Nhật Bản... để tham gia giảng dạy các nghề trọng điểm đạt chuẩn ASEAN.

Trong đó, nhiều đơn vị được giao chỉ tiêu đào tạo nghề đã làm tốt nhiệm vụ như Trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An, Liên minh Hợp tác xã (HTX), Trung tâm Khuyến công, Trường Trung cấp Nghề Yên Thành, HTX Thủ công nghiệp Thắng Lợi, Công ty CP Nước mắm Vạn Phần, HTX Thanh Thúy… Những kết quả quan trọng trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỉ lệ đói nghèo cũng như đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và tạo bước phát triển mới về ngành nghề trong nông nghiệp nông thôn.

Tuy vậy, việc thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ còn chậm. Kết quả đào tạo một số nghề cho lao động nông thôn không đạt chỉ tiêu đề ra, như: Nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sứ, thủy tinh, điêu khắc đá mỹ nghệ. Cùng với đó, chất lượng đào tạo nghề và hiệu quả việc làm sau đào tạo của một số nghề chưa cao, dẫn đến tình trạng một số lao động nông thôn sau học nghề không tạo được việc làm hoặc việc làm còn mang tính thời vụ, thu nhập chưa ổn định, đặc biệt là các huyện miền núi như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Liên quan đến hoạt động của làng nghề, một số sản phẩm gặp khó khăn trong cung ứng nguồn nguyên liệu và khâu tiêu thụ, như mây tre đan, dệt thổ cẩm…

Tuy còn một số hạn chế, song kết quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trong 2 năm thực hiện Đề án là rất quan trọng. Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án, trong thời gian tới, UBND các huyện cần có sự quan tâm sâu sát và hiệu quả hơn công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là các ngành nghề trọng điểm. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cũng như du nhập thêm những nghề mới và phát triển ngành nghề nông thôn. Về phía các tổ chức tài chính, tín dụng và hệ thống ngân hàng, cần tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làng nghề tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất…

Thùy Dương

Các tin khác